Theo thống kê từ Ban Quản lý Khu công nghiệp, tổng vốn đầu tư thu hút trên địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh năm 2023 đạt 114.329,06 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn đầu tư FDI đạt 3.102,8 triệu USD, tương đương 72.910,5 tỷ đồng, bằng 311% chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh đặt ra; bằng 261,1% kế hoạch của UBND tỉnh.
Hiện tại, Quảng Ninh đang có hơn 170 dự án FDI từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, số vốn đăng ký gần 14 triệu USD, doanh thu gần 3,4 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách khoảng 76 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 43.000 lao động. Đáng chú ý, ngoài những đối tác truyền thống như Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong, Đài Loan), năm qua cũng chứng kiến dòng vốn đầu tiên từ châu Âu với dự án của nhà đầu tư Thuỵ Điển Autoliv, loạt dự án nhiều lĩnh vực của các nhà đầu tư Nhật Bản, Singapore…
Đối với các dự án thu hút mới, Hồng Kông (Trung Quốc) dẫn đầu về tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thụy Điển, Nhật Bản... Trong đó, dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 51,9%), tiếp theo là các ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, dịch vụ...
Được biết, các dự án thu hút mới chủ yếu thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo, trong đó có 2 dự án quy mô lớn, với vốn đầu tư trên 500 triệu USD. Đó là dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam (tại khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà) có tổng vốn đầu tư trên 1,5 tỷ USD và dự án Nhà máy Lite-on Quảng Ninh sản xuất các thiết bị điện tử tại KCN Sông Khoai (TX. Quảng Yên) có tổng vốn đầu tư 690 triệu USD.
Công ty Cổ phần Đô thị Amata Hạ Long là chủ đầu tư cơ sở hạ tầng tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) năm 2023 đã liên tiếp đón nhận tin vui từ các nhà đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản. Tiêu biểu, tháng 7/2023 tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án Parts Seiko Việt Nam do chủ đầu tư là Công ty Parts Seiko (Nhật Bản) thực hiện trên diện tích 1ha tại KCN Sông Khoai, với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD. Dự án tập trung sản xuất, gia công, lắp ráp và kinh doanh các sản phẩm từ kim loại gồm: Giá đỡ trục, vòng trục, vòng đệm, đai kẹp và vòng đệm côn. Dự kiến tháng 10/2024 nhà máy đi vào sản xuất kinh doanh, tổng công suất là 40,5 tấn sản phẩm/năm. Mục tiêu của nhà máy hướng đến xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các quốc gia châu Á.
Trong năm 2024, tập trung thu hút và "nâng chất" FDI vẫn là một trong những mục tiêu trọng tâm mà Quảng Ninh đặt ra với con số 3 tỷ USD, đóng góp vào chủ đề công tác "Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh".
Theo các chuyên gia kinh tế, tiềm năng thu hút FDI của Quảng Ninh còn rất lớn. Đây là địa phương được quy hoạch nhiều khu công nghiệp và khu kinh tế nhất miền Bắc. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng còn dư địa lớn về nguồn đất, điển hình là Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, một điểm sáng thu hút đầu tư của tỉnh, hiện vẫn còn trên 9.700ha quỹ đất sạch.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cần tận dụng lợi thế là địa phương đầu tiên được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để hoàn thiện các quy hoạch cụ thể, nhanh chóng tạo quỹ đất sạch với hạ tầng sản xuất "xanh", bền vững; ban hành danh mục các dự án ưu tiên, ưu đãi cụ thể để tiếp cận và xúc tiến hiệu quả… Đồng thời, đảm bảo nguồn nhân lực, nhất là lao động chất lượng cao sẽ là "chìa khoá" để các nhà đầu tư "đi đường dài" với địa phương. Do đó, trong thời gian tới, Quảng Ninh được đánh giá sẽ tiếp tục là tỉnh dẫn đầu về thu hút FDI của cả nước, có tiềm năng trở thành một "thủ phủ" mới của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh tới những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó cần nâng cao chất lượng kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, tham gia sâu rộng vào mảng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
"Quảng Ninh đẩy mạnh cơ cấu công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, khả năng ổn định lâu dài, có công nghệ cao, sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, đặc biệt là Đông Mai, Sông Khoai, Bắc Tiền Phong, Việt Hưng, Hải Hà…", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Đứng trước cơ hội đón "làn sóng" FDI mới vào Việt Nam, Quảng Ninh vẫn còn rất nhiều dư địa, đặc biệt về quỹ đất. Vững vàng duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10% trong suốt 9 năm qua, nỗ lực gỡ dần những "nút thắt" về hạ tầng, nhân lực… đã và đang là cơ sở để Quảng Ninh tiếp tục gọi "đại bàng" theo đúng định hướng, góp phần đạt mục tiêu trước mắt năm 2024 và cả lâu dài./.
Nguồn: https://reatimes.vn/quang-ninh-diem-sang-thu-hut-dau-tu-fdi-202240103154906745.htm