Quy Nhơn (Bình Định) được biết đến là một thành phố biển với nhiều bãi biển đẹp, đường bờ biển dài 72km. Bên cạnh đó, khí hậu nhiệt đới cùng cảnh quan thiên nhiên đa dạng gồm núi, rừng, đồi, đầm phá, bán đảo và hải đảo…; cái nôi văn hoá với nhiều di tích và kiến trúc lâu đời… là những tiềm năng du lịch giúp Quy Nhơn trở thành điểm đến lý tưởng của du khách khi ghé thăm Bình Định. 

Tuy nhiên, so với những “thủ phủ” du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…, Quy Nhơn được đánh giá là “sinh sau đẻ muộn”. Lượng khách du lịch đến Bình Định có tăng trưởng hằng năm nhưng chủ yếu là khách nội địa, chưa thu hút được khách quốc tế, đặc biệt là dòng khách cao cấp. Trong khi đó ở Khánh Hòa hay Đà Nẵng, gần 50% là du khách quốc tế.

Dù vậy, ở một góc độ nào đó, sự phát triển chưa tương xứng này của Quy Nhơn lại chính là lợi thế, là cơ hội để địa phương này bứt phá hơn, với tầm nhìn vươn ra toàn cầu trong bối cảnh nhiều khu vực khác đã trở nên bão hoà. Phát huy những thế mạnh của người đi sau, trong nhiều năm qua, Quy Nhơn đang chuẩn bị sẵn sàng những bệ phóng để đưa du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn vươn xa hơn. Và tương lai về một điểm đến mới của châu Á đang được hình dung rõ ràng. 

QUY HOẠCH MỞ ĐƯỜNG

Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận của Thủ tướng Chính phủ năm 2015 đã mở ra nhiều triển vọng cho thành phố biển năng động, kéo theo làn sóng đầu tư hạ tầng mạnh mẽ. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, Quy Nhơn sẽ trở thành một trong các đô thị trung tâm của vùng duyên hải miền Trung, và đến năm 2035, là một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia.

Theo giới phân tích, quy hoạch đồng bộ là điểm nổi bật của Quy Nhơn so với nhiều thị trường ven biển khác. Việc chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông hoàn chỉnh đã tạo lực đẩy cho khu vực này. 

Việc chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông hoàn chỉnh đã tạo lực đẩy cho Quy Nhơn
Việc chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông hoàn chỉnh đã tạo lực đẩy cho Quy Nhơn

Cụ thể, đến nay Bình Định hoàn thành 3 tuyến đường kết nối Đông - Tây. Đó là các tuyến quốc lộ 19 mới, đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao quốc lộ 1 dài gần 18km; Đường kết nối phía Tây Nam cửa ngõ TP. Quy Nhơn đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định dài hơn 14,3km; Tuyến đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối từ Cảng hàng không Phù Cát về Khu kinh tế Nhơn Hội dài 18,5km. Trong đó, Quốc lộ 19B là một trong những tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt khi kết nối 3 tâm điểm lớn tại Bình Định gồm Sân bay Phù Cát, Khu kinh tế Nhơn Hội và TP. Quy Nhơn.

Bên cạnh đó, Bình Định cũng đã quyết định đầu tư đường ven biển dài gần 120km nối TP. Quy Nhơn đến huyện Hoài Nhơn. Đã có 3 dự án thành phần của các đoạn Cát Tiến - Đề Gi, Đề Gi - Mỹ Thành, cầu Lại Giang - cầu Thiện Chánh tổng chiều dài gần 34km (trong đó có cầu vượt đầm Đề Gi) tổng mức đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng sắp hoàn thành.

Trước đó, cuối năm 2021, HĐND tỉnh Bình Định đã quyết định chủ trương đầu tư xây dựng 6 dự án trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư 7.373 tỷ đồng. Trong vài năm tới, hệ thống kết cấu hạ tầng của Bình Định sẽ hoàn chỉnh đồng bộ khi có 3 trục đường hướng Bắc - Nam gồm đường cao tốc, quốc lộ 1 và đường ven biển cùng hệ thống đường Đông - Tây đã và đang được đầu tư. 

Có thể khẳng định, quy hoạch và hạ tầng là điểm nhấn đầu tiên trong hành trình phát triển Quy Nhơn nói riêng, Bình Định nói chung thành một điểm đến hàng đầu về du lịch. Trên thực tế, giai đoạn trước năm 2016, ngành du lịch Bình Định có rất nhiều khó khăn, hạn chế. Tổng doanh thu toàn ngành du lịch cả năm chưa tới 1.500 tỷ đồng. Sản phẩm du lịch đơn điệu, nghèo nàn; số lượng cơ sở lưu trú nói chung, cơ sở lưu trú cao cấp nói riêng còn rất ít. Trong khi đó, giao thông lại khó khăn, bất tiện.

UBND tỉnh lúc đó đã ban hành một chương trình hành động về phát triển du lịch nhằm kéo sáng bức tranh du lịch vốn bị nhuốm màu ảm đạm. Điểm nhấn của chương trình là chú trọng phát triển hạ tầng, kêu gọi đầu tư. 

Hàng loạt văn bản được Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành, hiện thực hóa chương trình hành động của Tỉnh ủy, trong đó có một số nội dung quan trọng như: Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Định hướng phát triển du lịch khu vực phía Bắc tỉnh Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035; Kế hoạch thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành du lịch Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển ngành kinh tế mũi nhọn; 5 Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Định...

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết, chủ trương của tỉnh là phát triển du lịch, tiến hành đồng bộ từ quy hoạch địa điểm, quy hoạch sản phẩm đến đầu tư, quản lý hoạt động du lịch hướng đến phát triển bền vững. Đồng thời, tích cực quảng bá du lịch trong nước và ngoài nước, lấy điểm nhấn là Quy Nhơn, hướng đến xây dựng một thành phố du lịch sạch của ASEAN và xa hơn là một điểm đến du lịch của Châu Á. 

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần đặt Quy Nhơn trở thành điểm đến hấp dẫn của châu Á. Chủ tịch nước ghi nhận, ủng hộ nhiều kiến nghị của tỉnh Bình Định như xây dựng sân bay Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế, mở rộng cảng Quy Nhơn, nghiên cứu xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku…

ĐỊA PHƯƠNG DẪN LỐI

Không chỉ đẩy mạnh thực thi quy hoạch, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng, để đạt được mục tiêu đưa Quy Nhơn trở thành một điểm đến hấp dẫn của châu Á, tỉnh Bình Định đã sớm nhận thấy rằng, hành trình này không thể thiếu sự chung tay của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn. Và việc hoàn chỉnh hạ tầng cũng là một trong những động lực quan trọng để địa phương này thu hút các “đại bàng” của Việt Nam về “làm tổ”.

Cũng chính vì vậy, bên cạnh tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, hạ tầng đồng bộ, sức hút của Quy Nhơn đối với các nhà đầu tư chính là “cánh cửa luôn rộng mở” của chính quyền Bình Định trong việc kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch Bình Định. 

Quy Nhơn luôn
Quy Nhơn luôn "rộng cửa" thu hút đầu tư

“Đến với Bình Định, các doanh nghiệp không gặp bất kỳ rào cản nào. Bởi, tỉnh cam kết mạnh mẽ sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư từ việc hình thành ý tưởng, tìm kiếm cơ hội đầu tư đến xây dựng dự án và triển khai hoạt động nhanh chóng, hiệu quả. Tỉnh cũng không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất”, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định khẳng định. 

Cụ thể, Bình Định đã tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các dự án du lịch, đặc biệt là các nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín để tạo đột phá trong việc xây dựng các khu du lịch trọng điểm theo quy hoạch phát triển du lịch và huy động nguồn vốn đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu quy mô lớn, cải thiện cơ sở hạ tầng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Bình Định.

Chính sự quyết liệt, tâm huyết và khả năng “dẫn lối” của chính quyền địa phương đã giúp ngành du lịch Bình Định hiện nay đã có sự khởi sắc, đồng thời đứng trước nhiều cơ hội để có thể phát triển thần kỳ. Trải qua các đợt giãn cách kéo dài trong năm 2020 - 2021, Bình Định được đánh giá là điểm sáng về tốc độ phục hồi du lịch hậu giãn cách, với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như các chương trình kích cầu sáng tạo và đa dạng dành riêng cho điểm đến này.

Ngành du lịch Bình Định đang vừa chủ động, tích cực khắc phục khó khăn, vừa chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho sự bùng nổ tiếp theo của ngành khi đại dịch đi qua, để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2025 thu hút 8 triệu lượt khách du lịch như mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX đã đề ra.

NHÀ ĐẦU TƯ ĐỒNG LÒNG

Trong năm 2021, Bình Định đã dẫn đầu khu vực miền Trung trong thu hút đầu tư khi thu hút 93 dự án trong nước với tổng vốn thu hút trên 104.340 tỷ đồng (tăng 102,22% về tổng vốn thu hút đầu tư so với năm 2020). Đồng thời, tỉnh thực hiện tăng vốn cho 11 dự án với tổng vốn tăng thêm 27.121 tỷ đồng.

Theo dự báo của các chuyên gia, những dự án tỷ đô sẽ tiếp tục “đổ” về Bình Định khi địa phương này tái cam kết mạnh mẽ về cải thiện môi trường đầu tư.

“Thời gian gần đây, tôi cảm nhận được cuộc đổ bộ của nhiều doanh nghiệp lớn về Bình Định, tạo nên thế chuyển động mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tỉnh Bình Định nên tiếp tục bức phá, ưu tiên kết nối đường bộ, tuyến ven biển, cao tốc kết nối nhanh với các địa phương lân cận, kết nối vùng để cộng hưởng phát triển”, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay. 

Cũng theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, Quy Nhơn - Bình Định hội tụ những điều kiện để phát triển du lịch đẳng cấp quốc tế với tiềm năng, lợi thế du lịch, cơ sở hạ tầng. Qua những sự hiện diện của Tập đoàn FLC, hay những đóng góp đã và đang dần hiện hữu của Tập đoàn Hưng Thịnh, cộng với tinh thần mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh Bình Định với những tuyên bố mở cửa tích cực, chuyên gia này tin rằng, du lịch Quy Nhơn - Bình Định sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa. 

PGS.TS. Trần Đình Thiên
PGS.TS. Trần Đình Thiên

Có thể nói, thành công lớn của Bình Định nói chung, Quy Nhơn nói riêng là tạo được sự chung tay và đồng lòng của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn trong việc thực hiện mục tiêu vươn ra toàn cầu về du lịch. Điều này được minh chứng rõ nét hơn khi địa phương đã thực hiện lễ ký kết chiến lược “Du lịch Quy Nhơn - Tầm nhìn châu Á” với các đối tác hàng đầu trong lĩnh vực du lịch vào đầu năm 2022. 

Tại buổi lễ, UBND thành phố Quy Nhơn cùng Tập đoàn Tư vấn quốc tế Boston Consulting Group (BCG) và Tập đoàn Hưng Thịnh đã ký thỏa thuận xây dựng đề án phát triển du lịch thành phố Quy Nhơn đến năm 2030, hướng đến mục tiêu đưa Quy Nhơn trở thành điểm đến hàng đầu châu Á.

Theo đó, đề án tập trung hoạch định chiến lược du lịch toàn diện, bền vững, an toàn với những giá trị khác biệt, chú trọng khẳng định tiềm năng và vị thế vốn có của Quy Nhơn tại thị trường trong nước, đồng thời xây dựng các giải pháp đưa Quy Nhơn trở thành điểm đến hàng đầu châu lục; đặc biệt khai phá tiềm năng trong phân khúc du lịch cao cấp; bảo đảm tăng trưởng du lịch song hành với phát triển bền vững kinh tế và xã hội.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn cho biết, thỏa thuận lập đề án phát triển du lịch Quy Nhơn đến năm 2030 được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố nhằm hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu phát triển du lịch - một trong năm trụ cột tăng trưởng kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người dân và góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. 

“Tôi tin tưởng rằng, thông qua những thỏa thuận hợp tác chiến lược được ký kết hôm nay, các doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng thành phố Quy Nhơn phát triển bền vững tương xứng với tiềm năng, vươn đến tầm châu Á”, ông Ngô Hoàng Nam nói. 

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh khẳng định: “Tập đoàn Hưng Thịnh luôn tích cực hợp tác với các doanh nghiệp đầu ngành trong và ngoài nước để cùng nâng cao tầm vóc của thương hiệu du lịch Quy Nhơn, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Với thế mạnh, năng lực, kinh nghiệm của các doanh nghiệp, cùng với sự phát triển mạnh mẽ vốn có của ngành du lịch, chúng tôi hy vọng sẽ chắp thêm đôi cánh để du lịch Quy Nhơn hiện thực hóa “tầm nhìn châu Á” đúng với những tiềm năng và tài nguyên nơi đây đã có".

Ông II-Dong Kwon – Giám đốc điều hành Tập đoàn Tư vấn quốc tế Boston Consulting Group (BCG) cũng cho hay: Chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng một tầm nhìn để thành phố này có thể trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, đồng thời là một thương hiệu gắn liền với giá trị, bản sắc khác biệt và phát triển du lịch bền vững. 

Trên nền tảng phát triển mạnh mẽ sẵn có của du lịch Quy Nhơn, lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa UNND TP. Quy Nhơn, Tập đoàn Hưng Thịnh và các đối tác danh tiếng được kỳ vọng sẽ tạo thêm sức bật để Quy Nhơn nắm bắt những cơ hội mới, tiếp tục vang danh trong khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt, sự đầu tư của tập đoàn Hưng Thịnh với quần thể du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí đẳng cấp quốc tế MerryLand Quy Nhơn - kỳ quan miền nhiệt đới tại Hải Giang thuộc bán đảo Phương Mai được coi là động lực thúc đẩy du lịch Quy Nhơn “sải cánh” vươn tầm châu Á. Đây cũng là dự án trọng điểm, được đánh giá cao trong việc góp phần giúp du lịch Bình Định. 

Dự án được quy hoạch trên tổng diện tích hơn 1.000ha ở vị trí vô cùng đắc địa khi nằm giữa 2 dãy núi, đường bờ biển dài 1,5km. Với quy mô gồm 300 phòng khách sạn 5 sao, 1.000 căn hộ condotel, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển cùng chuỗi tiện ích dịch vụ siêu sang, cư dân và du khách sẽ được tận hưởng không gian nghỉ dưỡng đầy tinh tế cũng như những khoảnh khắc thư giãn đích thực tại đây.

Dự án MerryLand Quy Nhơn
Dự án MerryLand Quy Nhơn

Thông tin từ tập đoàn Hưng Thịnh, MerryLand Quy Nhơn khi hoàn thiện còn tạo nên một điểm đến cho du khách quốc tế khi cung cấp 15 phân khu phục vụ lưu trú cao cấp, cùng hàng loạt tiện ích và trải nghiệm chưa từng có tại Quy Nhơn. Đó là chuỗi khách sạn cao cấp 5 sao ven biển, những biệt thự trên đồi cùng tiện ích như hồ cảnh quan, quảng trường Hạnh Phúc,... 

Sự có mặt của dự án 57.000 tỷ đồng này đang khiến hạ tầng giao thông khu vực thay đổi từng ngày. Cụ thể, con đường Nhơn Hội – Nhơn Hải mở rộng gấp 5 lần từ 3m lên 18m. Chủ đầu tư sẽ đầu tư hệ thống cáp treo hiện đại nối từ Mũi Tấn đến bán đảo Hải Giang với chiều dài 2km, đem lại trải nghiệm mới cho du lịch địa phương. Cùng với đó là bến du thuyền Hải Giang đã kết nối với bến tàu Mũi Tấn, giúp việc di chuyển từ Hải Giang tới trung tâm thành phố chỉ còn 8 phút trên đường biển.

MerryLand Quy Nhơn của Hưng Thịnh cũng đang chứng minh xu hướng phát triển tất yếu của bất động sản du lịch Việt Nam nếu muốn vươn tầm quốc tế, đó là phải xây dựng những tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp, đồng bộ, đáp ứng tối đa mọi nhu cầu du lịch của du khách hạng sang. Bởi một điểm đến muốn thu hút du khách thì không chỉ cần cảnh quan thiên nhiên đẹp, ẩm thực, văn hoá phong phú mà còn cần một nơi để lưu trú với đa trải nghiệm. 

“Bất động sản cao cấp đó là những những cơ ngơi, biệt thự tọa lạc giữa thiên nhiên hùng vĩ, những căn thương mại đắc địa - tâm điểm của mỗi vùng miền. Đây sẽ là những tài sản có giá trị trường tồn cho muôn đời. Kiến tạo quần thể giải trí nghỉ dưỡng biển quy mô châu lục với những trải nghiệm độc nhất, chúng tôi kỳ vọng MerryLand Quy Nhơn sẽ là một di sản ngay trên mảnh đất mình yêu và gắn bó”, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ.    

PGS. TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, định hướng phát triển du lịch Quy Nhơn - Bình Định cần phát huy bản sắc văn hóa, con người địa phương để vươn lên du lịch đẳng cấp cao mang tính đặc sắc về văn hóa.

Như vậy, bằng sự tiên phong kiến tạo những cơ sở lưu trú đẳng cấp, các doanh nghiệp phát triển bất động sản du lịch đang dần chứng minh và khẳng định vai trò của mình trong việc cùng đưa du lịch Bình Định vươn tới tầm nhìn châu Á. Những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, bài bản, xứng tầm kỳ quan và hoà trộn với đặc sắc văn hoá của địa phương này sẽ là lực hút lớn đối với khách quốc tế trong một tương lai không xa. Khi trở thành điểm đến châu Á, ngành du lịch tại Quy Nhơn, Bình Định sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, không chỉ tạo nguồn thu ngân sách mà còn cải thiện đời sống của người dân địa phương, cùng với đó là hoàn chỉnh diện mạo đô thị, hướng tới sự phát triển bền vững./.

Theo Reatimes.vn

Nguồn: https://reatimes.vn/quy-nhon-va-tuong-lai-hua-hen-ve-mot-diem-den-hang-dau--20201224000010674.html