Lượng nhựa trôi nổi trên bề mặt đại dương đang lớn dần
Nghiên cứu đã lập mô hình ước tính rằng các mảnh nhựa lớn hơn 25mm, chiếm hơn 95% lượng nhựa trôi nổi trên đại dương. Trong khi đó, hầu hết các hạt nhựa trong đại dương đều rất nhỏ, tổng khối lượng của những hạt vi nhựa (dưới 5mm) lại tương đối thấp.
Tuy có sự vượt trội về số lượng của các mảnh nhựa lớn trôi nổi trong đại dương, nhưng tổng số lượng vẫn thấp hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.
Ô nhiễm nhựa trong đại dương vốn được ước tính là hơn 25 triệu tấn, với ¼ triệu tấn trôi nổi trên bề mặt biển. Tuy nhiên, nghiên cứu cho biết lượng nhựa trên bề mặt đại dương cao hơn nhiều, vào khoảng 3 triệu tấn. Việc nhựa trôi nổi thành từng mảng lớn có thể giúp ích cho nỗ lực dọn dẹp của con người.
Mô hình này cũng cho thấy rằng mỗi năm, lượng nhựa mới đổ ra đại dương ít hơn, khoảng nửa triệu tấn thay vì 4 – 12 triệu tấn, chủ yếu xuất phát từ các bờ biển và hoạt động đánh bắt cá. Tuy nhiên, chính sự kết hợp của nhiều nhựa trên bề mặt đã tồn tại trước đó và ít nhựa mới hơn chính là minh chứng cho thấy rác thải nhựa có thể sẽ tồn tại trong đại dương lâu hơn so với suy nghĩ.
"Điều đó có nghĩa là sẽ mất nhiều thời gian hơn cho đến khi các biện pháp chống rác thải nhựa được nhìn nhận rõ ràng. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, các tác động thậm chí sẽ còn kéo dài hơn nữa" - Trưởng nhóm nghiên cứu Mikael Kaandorp nói.
Thêm vào đó, dù ít, nhưng hiện lượng ô nhiễm nhựa ở các đại dương trên thế giới vẫn đang gia tăng. Theo các tác giả của nghiên cứu, nếu không giảm thiểu rác thải nhựa và tăng cường dọn dẹp rác thải nhựa trên bề mặt đại dương, rác thải nhựa còn sót lại có thể tăng gấp đôi trong vòng hai thập kỷ.
Chống ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng được chú trọng
Để hạn chế rác thải nhựa, thời gian qua, Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chiến lược để giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Cụ thể như Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi năm 2020 đã chính thức được áp dụng, trong đó bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.
Hay như trong tháng hành động vì môi trường năm nay, Bộ TN&MT đã đề nghị các địa phương tổ chức tuyên truyền và thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025” tại Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 5/2/2021; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam” tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ…
Đồng thời, xây dựng ban hành quy định, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp tái chế. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tái chế chất thải nhựa trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa. Thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn. Thực hiện nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc tổ chức thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn. Đối với các tỉnh, TP cần có ít nhất 1 mô hình cụ thể về “Chống ô nhiễm nhựa” hiệu quả tại địa phương. Ra quân dọn, xử lý rác tại các điểm đen và ô nhiễm rác thải nhựa ở sông, hồ, bờ biển. Đồng thời, phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân và cộng đồng, doanh nghiệp có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường; nhất là giải pháp, sáng kiến giảm rác thải nhựa;…
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/rac-thai-nhua-co-the-se-ton-tai-trong-dai-duong-lau-hon-chung-ta-nghi-79563.html