Thời của đất nền?

Ghi nhận riêng tại từng thị trường cho thấy, đất nền Gia Lâm có sự tăng trưởng về giá, đặc biệt là khu vực Kiêu Kỵ, Đa Tốn và Dương Xá. Giá đất thị trấn Trâu Quỳ cũng nằm trong top đầu tại Gia Lâm. Chỉ tính riêng trong vòng một năm qua, giá đất khu vực này đã tăng 15 - 20%. Cụ thể, nếu hồi đầu năm, đất mặt tiền đường Ngô Xuân Quảng được chào bán với giá 100 - 120 triệu đồng/m2 thì hiện nay giá đã tăng lên 120 - 135 triệu đồng/m2. Tương tự, tại những tuyến đường như A Đào Nguyên, An Đào A, giá bán hiện tại là 37 - 42 triệu đồng/m2, tăng so với đầu năm là 32 - 36 triệu đồng/m2.

Cùng thời điểm, trước những thông tin dự án thành phố thông minh quy mô gần 272ha được triển khai, giá đất tại Đông Anh từ đầu năm 2018 đã nhiều lần "tạo sóng" khi nhà đầu tư kéo nhau về đây tìm mua đất. Cụ thể, tại vị trí gần chân cầu Thăng Long, Nhật Tân, giá đất thổ cư, nhà lẻ, nhà phố hiện đã tăng trung bình 3 - 5 triệu đồng/m2, thậm chí tăng cả chục triệu đồng so với một năm trước đối với những mảnh đất có vị trí đẹp, giao thông thuận tiện. Tại mặt đường xã Vĩnh Ngọc, đất thổ cư sát chân cầu Nhật Tân được rao bán khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2.

Sản phẩm bất động sản nào đang được

Sản phẩm bất động sản nào đang được "nhòm ngó" tại các điểm nóng của thị trường?

Trong khi đó tại Long Biên, giá đất cũng tăng liên tục từ 50 triệu đồng/m2 lên 55 triệu đồng/m2. Theo bà Đỗ Thu Hằng, Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2017, nguồn cung đất nền biệt thự chủ yếu tập trung ở Hà Đông, Long Biên, Hoàng Mai, Từ Liêm và Cầu Giấy. Nhưng thời gian tới, nguồn cung phân khúc này có thể sẽ đổ về và gia tăng mạnh tại Đông Anh và Gia Lâm.

Nhà đầu tư sẽ bung hàng gì?

Theo giới chuyên gia, thời gian qua các nhà đầu tư dường như "đuối sức" với sản phẩm đất nền sau những cơn sốt đỉnh điểm thời gian qua, họ đang kỳ vọng có những sản phẩm khác thay thế. Mặt khác, thời gian qua, cơ cấu các chủ thể tham gia thị trường bất động sản đã từng bước hình thành theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa.

Nhiều doanh nghiệp đã định hình và từng bước khẳng định thương hiệu thông qua các loại hình, phân khúc sản phẩm bất động sản. Đặc biệt, không ít doanh nghiệp đã chuyển mạnh sang phát triển các dự án nhà ở xã hội, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp đô thị. Do đó, các sản phẩm nhà ở thương mại đặc biệt là phân khúc giá rẻ, tầm trung vẫn thu hút người dân và nhà đầu cơ.

Bên cạnh đó, trong cảc sản phẩm bất động sản, shophouse hiện được đánh giá đang là phân khúc hút mạnh dòng tiền của giới đầu tư. Minh chứng rõ nét nhất là tại Hà Nội, do không có nhiều dự án shophouse nên những dự án nào được tung ra đều có tỷ lệ hấp thụ tốt. Ngoài ra, theo Savills, quý III/2018, thị trường ghi nhận sự bùng nổ của các sản phẩm lai như officetel, shophouse, shopoffice với giao dịch sôi động trái ngược hẳn với các sản phẩm khác.

Theo phân tích từ bà Nguyễn Bích Trang, Giám đốc CBRE Chi nhánh Hà Nội, CBRE đã nghiên cứu rất nhiều về quy hoạch phát triển của Hà Nội. Theo đó, khu vực phía bắc và xa hơn là phía bên kia cầu Nhật Tân hiện đang trên đà phát triển rất mạnh. Dự báo trong vòng 5 năm tới, khu vực này sẽ hình thành các khu đô thị mới làm thay đổi hoàn toàn thị trường bất động sản Hà Nội ở tất cả phân khúc. Đăc biệt trong đó, các sản phẩm bất động sản trung và cao cấp, đặc biệt là các sản phẩm nghỉ dưỡng ngoại ô sẽ là xu hướng.

An Vũ

Bạn đang đọc bài viết Sản phẩm bất động sản nào đang được "nhòm ngó" tại các điểm nóng tương lai? tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Bất động sản Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư [email protected]

Theo Reatimes.vn