Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương thông tin: Nhằm bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân vào dịp cuối năm, Bộ Công Thương có chỉ đạo tới Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan: Xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa. Cùng với đó là triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...
Ngoài ra, vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương (Tổng cục Quản lý thị trường và Vụ Khoa học và Công nghệ) cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm hàng hoá, niêm yết giá bán…
Triển khai các giải pháp kết nối cung cầu, bình ổn thị trường
Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ vừa diễn ra vào cuối tháng 9/2023, đại diện Sở Công Thương các địa phương cho biết, nguồn hàng những tháng cuối năm đã được chuẩn bị với nhiều kế hoạch khác nhau, nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu thị trường và bình ổn giá cả cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Trong tháng 10, Sở Công Thương Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch liên kết các chương trình về khai thác hàng hóa địa phương vào Hà Nội để đảm bảo nguồn cung tiêu dùng cho người dân thủ đô, đồng thời triển khai chương trình bình ổn thị trường phục vụ Tết.
Để kết nối cung cầu đưa hàng hóa địa phương vào thành phố, Hà Nội cũng triển khai các điểm giới thiệu và bán sản phẩm của Thủ đô. Đồng thời mở thêm 2 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP để kết nối 52 sản phẩm OCOP của các tỉnh thành phố vào các điểm bán này. Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn tổ chức theo dõi sát sao diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu.
Bên cạnh đó là các hoạt động tăng cường kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm và kiểm tra việc hướng dẫn phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất và thương mại và hỗ trợ tổ chức các hội chợ. Tiêu biểu như: Hội chợ quà tặng thủ công mỹ nghệ, hội chợ ngành công nghiệp chủ lực 2023, tăng cường kết nối giao thương, quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Hà Nội với các cơ quan khác…
Tại TP. Hồ Chí Minh, địa phương đi đầu về triển khai các giải pháp kết nối cung cầu, bình ổn thị trường, đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết: Trong quý 3/2023, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã tham mưu thành phố tổ chức Tháng Khuyến mại tập trung, thu hút 3.000 doanh nghiệp tham gia với 7.000 chương trình giảm giá. Trong đó 30% tham gia với mức giảm giá trên 50%.
Để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2023, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các doanh nghiệp phân phối xây dựng kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu; tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho cuối năm và dịp Tết.
Tại Đà Nẵng, đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng cũng đã lên phương an chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, và bình ổn thị trường. Điểm đặc biệt trong năm nay, chương trình bình ổn không chỉ tập trung vào mặt hàng thịt heo mà còn bình ổn nhiều loại hàng hóa khác.
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/san-sang-nguon-cung-hang-hoa-dip-tet-nguyen-dan-2024-109952.html