Tình trạng công nhân thiếu việc, thu nhập giảm
Trước làn sóng nhiều doanh nghiệp vì khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 phải giải thể hoặc thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động; Không ít doanh nghiệp phải nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để vừa ổn định sản xuất vừa giữ chân người lao động.
Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn bởi khách hàng quốc tế "dè dặt" đơn hàng trong khi thường những tháng cuối năm là thời điểm doanh nghiệp tăng tốc để hoàn thành kế hoạch năm. Điều này dẫn đến tình trạng công nhân rơi vào tình cảnh thiếu việc làm và thu nhập giảm sút.
Nhiều doanh nghiệp dệt may nửa cuối năm cũng là giai đoạn khó khăn. Một số nhà máy không có đơn hàng để làm buộc phải tính toán lại phương án sắp xếp lao động phù hợp như cho công nhân nghỉ thứ 7 hay nghỉ phép.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy có đến gần 625.000 lao động bị ảnh hưởng nhưng trong đó chỉ có 31.000 lao động bị chấm dứt hợp động, tức là chỉ dưới 5%.
Có thể thấy, tỷ lệ mất việc trong 6 tháng gần đây chỉ dưới 5% bởi lẽ doanh nghiệp đang tìm mọi cách để giữ chân người lao động. Từ hỗ trợ tiền nhà trọ, thưởng, cung cấp hàng chất lượng, giá ưu đãi, thậm chí tăng cường đào tạo… là những phúc lợi mà không ít doanh nghiệp đưa ra nhằm giữ chân người lao động.
Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực để công nhân không mất việc
Không ít doanh nghiệp đang chững lại vì nguồn cung ứng và thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, không có người nào phải nghỉ việc và các xưởng đang duy trì luân phiên cắt giảm giờ làm. Thời gian trống đó, người lao động được đào tạo thêm nhiều kỹ năng, nâng cao tay nghề.
Theo ông Aexander Christopher Falter, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ECCO Việt Nam, Bình Dương: "Tuy có một chút vấn đề vào cuối năm nhưng chúng tôi đã và đang sử dụng thời gian này để tập trung vào việc đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động và tập trung vào những gì chúng tôi chưa làm được trong vài năm qua. Vì vậy, chúng tôi coi thử thách này là một điều tích cực hơn là tiêu cực".
San sẻ việc làm là cách mà nhiều doanh nghiệp đang làm để giữ lao động. Họ được bố trí làm việc luân phiên các ngày trong tuần nhằm đảm bảo ai cũng có việc và thu nhập để duy trì cuộc sống.
Còn ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: "Năm nay 6 tháng cuối năm khó khăn chung khi đơn hàng thiếu là ảnh hưởng chung của thị trường thế giới nhưng chúng tôi cũng cố gắng để đảm bảo đời sống cho người lao động".
Bài toán về lao động là một bài toán khó, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Các doanh nghiệp đang nỗ lực hết sức để hỗ trợ cho người lao động, đồng thời tạo điều kiện để người lao động có thể nâng cao năng lực.
Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp thì cũng cần sự thấu hiểu từ phía người lao động. Mục đích cuối cùng hướng đến là phát triển của doanh nghiệp và việc làm ổn định cho người lao động.
Theo chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế kinh thế giới đang gặp nhiều khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng. Song, trong ngắn hạn các doanh nghiệp vẫn chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để giữ chân lao động, không chỉ tạo điều kiện cho người lao động duy trì công ăn việc làm, mà còn tạo cho người lao động có niềm tin về triển vọng nghề nghiệp, cũng như niềm tin kinh tế sẽ sớm phục hồi trở lại. Còn ở góc độ doanh nghiệp thì họ cũng đánh giá được những lợi ích trong ngắn hạn và dài hạn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, lúc này Chính phủ và chính quyền địa phương cần phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chi phí tăng thêm như hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp khi người lao động đang đứng trước ngưỡng cửa mất việc, giảm tiền điện nước, mặt bằng, thuê đất… để doanh nghiệp hỗ trợ chéo cho người lao động, vừa giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng chống chịu khó khăn vừa giải quyết sinh kế, thu nhập tạm thời cho người lao động.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/san-se-viec-lam-la-cach-nhieu-doanh-nghiep-dang-lam-de-giu-lao-dong-73731.html