Trang trại được hưởng các chính sách ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê hoặc thuê lại quyền sử dụng đất.

Trang trại được hưởng các chính sách ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. (Ảnh minh họa)
Trang trại được hưởng các chính sách ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp với nhiều đề xuất về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với kinh tế trang trại như:

Với chính sách hỗ trợ hỗ trợ quy hoạch và đầu tư công trình hạ tầng chung; chính sách hỗ trợ lập, thẩm định và phê duyệt dự án kinh tế trang trại; chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai; chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế; chính sách ưu đãi, hỗ trợ vay vốn tín dụng; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng; chính sách ưu đãi, hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ và môi trường; chính sách ưu đãi, hỗ trợ xúc tiến thương mại; chính sách ưu đãi, hỗ trợ liên kết…

Nội dung của dự thảo cho hay, trang trại được hưởng các chính sách ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê hoặc thuê lại quyền sử dụng đất; tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp; miễn, giảm tiền sử dụng đất và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác theo quy định của Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn thực hiện.

Mặt khác, các trang trại còn được hỗ trợ: Chủ trang trại thuê đất của Nhà nước được miễn giảm 50% tiền thuê đất; trường hợp đang thuê đất của Nhà nước, nếu tiếp tục có nhu cầu gia hạn thời gian thuê thì được ưu tiên tiếp tục thuê đất không qua đấu giá. Chủ trang trại thuê lại đất của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện phát triển rừng sản xuất, trồng rừng gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tương đương 30% tiền thuê đất cho 7 năm đầu tiên theo mức giá đất ưu đãi của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định và giá thuê đất ổn định tối thiểu 7 năm.

Về chế độ ưu đãi, trang trại còn được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành. Ngoài ra còn được hỗ trợ: Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân nông dân được Nhà nước giao đất để sản xuất. Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp nhưng không quá hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân.

Trang trại được hưởng ưu đãi về cho vay không có tài sản bảo đảm; giảm lãi suất cho vay; cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp, gặp thiên tai, dịch bệnh theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/5/2015 của Chính phủ và các chính sách ưu đãi về vay vốn khác theo quy định của pháp luật về tín dụng hiện hành…

Cả nước hiện có khoảng 16 triệu hộ nông thôn và trên 1 triệu hộ thành thị hoạt động nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản, chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán, giá trị sản xuất thấp và có nhiều rủi ro. Tuy nhiên cũng có nhiều hộ nông dân tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại với quy mô đất đai lớn theo hướng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học công nghệ và mang lại giá trị kinh tế cao, ít rủi ro hơn.

Báo cáo của các địa phương cho biết, đến hết năm 2021 cả nước có 18.945 trang trại đạt tiêu chí quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Diện tích đất bình quân của các trang trại là 3,52 ha/trang trại. Tổng số lượng lao động thường xuyên của trang trại bình quân 3,8 lao động/trang trại, trong đó chủ yếu là chủ trang trại và các thành viên trong gia đình; một số trang trại có thuê mướn lao động bên ngoài chủ yếu là vào thời vụ gieo trồng, thu hoạch.

Giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất kinh doanh bình quân năm 2021 là 2.430 triệu đồng/trang trại. Tổng giá trị sản xuất bình quân của trang trại năm 2021 đạt 3.513 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân lao động thường xuyên làm việc trong trang trại đạt 4,9 triệu đồng/người/tháng.  

Theo Dự thảo, để được hỗ trợ, các trang trại phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

- Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

- Có giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

- Có giấy chứng nhận kinh tế trang trại (trừ trường hợp hưởng hỗ trợ lập dự án kinh tế trang trại).

- Đối với hỗ trợ trang trại chăn nuôi áp dụng hệ thống chuồng công nghiệp: Trang trại chăn nuôi không thuộc đối tượng sở hữu là doanh nghiệp; có dự án chăn nuôi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; áp dụng hệ thống chuồng kín đối với chăn nuôi lợn, gia cầm hoặc chuồng công nghiệp đối với chăn nuôi gia súc ăn cỏ.

- Các điều kiện quy định tại các văn bản khác (đối với trường hợp đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ tại văn bản đó).

Theo Kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/sap-co-them-chinh-sach-uu-dai-phat-trien-kinh-te-trang-trai-70481.html