Thông tư này quy định về quản lý chất lượng xây dựng và bảo trì nhà ở riêng lẻ, được áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, bảo trì nhà ở riêng lẻ trên lãnh thổ Việt Nam.
Được biết, so với Thông tư 10/2014/TT-BXD thì Thông tư 05/2015/TT-BXD có nhiều điểm mới và có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong công tác thiết kế, quản lý, giám sát thi công.
Theo đó, trong thiết kế, chủ nhà sẽ được tự thiết kế đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m.
Đối với nhà ở dưới 7 tầng, không thuộc trường hợp nêu trên, việc thiết kế phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện.
Riêng với nhà ở từ 7 tầng trở lên, việc thiết kế phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện và phải được thẩm định theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 26 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Song hành với công tác thiết kế, việc khảo sát để xây dựng nhà ở cũng có nhiều điểm mới.
Cụ thể, đối với nhà ở dưới 7 tầng, chủ nhà được tự thực hiện hoặc thuê cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện khảo sát xây dựng. Trường hợp không thuê khảo sát xây dựng, chủ nhà có thể áp dụng một trong các phương pháp như kiểm tra trực tiếp thông qua hố đào thủ công để xác định chiều dày, chất lượng các lớp đất và xác định lớp đất dự kiến đặt móng nhà…
Đối với nhà ở từ 7 tầng trở lên, việc khảo sát xây dựng phải được tổ chức khảo sát có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện.
Trong thi công xây dựng, Thông tư 05 cũng quy định chặt chẽ từ khâu quản lý đến công tác giám sát công trình.
Theo đó, trong quản lý thi công xây dựng, nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m, chủ nhà được tự tổ chức thi công xây dựng và chịu trách nhiệm về an toàn xây dựng cũng như các ảnh hưởng của việc xây dựng nhà ở đến các công trình liền kề, lân cận.
Đối với nhà ở dưới 7 tầng, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 của Thông tư, việc thi công xây dựng được tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm thi công xây dựng công trình. Trong quá trình thi công xây dựng, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, chủ nhà phải tham khảo ý kiến của bên thiết kế để kịp thời xử lý.
Còn với nhà ở từ 7 tầng trở lên, việc thi công xây dựng phải được tổ chức có đủ điều kiện năng lực thi công xây dựng theo quy định thực hiện. Chủ nhà phải chuẩn bị hồ sơ hoàn thành công trình theo quy định và thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để kiểm tra trước khi đưa công trình vào sử dụng.
Về công tác giám sát thi công, Thông tư quy định gồm các nội dung:
a) Kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn đối với nhà ở và các công trình liền kề, lân cận
b) Kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện xây dựng, thiết bị trước khi đưa vào thi công xây dựng
c) Kiểm tra hệ thống cốp pha, giàn giáo thi công
d) Kiểm tra biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.
Ngoài ra, còn có những quy định để đảm bảo chất lượng công trình.
Không chỉ riêng các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, đối với các công trình đầu tư xây dựng lớn, việc bảo trì bao giờ cũng phải được đề cao, coi trọng nhằm đảo bảo độ bền cho mỗi công trình.
Theo Thông tư 05, việc bảo trì được sẽ được chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng nhà ở thực hiện theo đúng các quy định về công tác bảo trì như định kỳ tổ chức kiểm tra các bộ phận kết cấu chịu lực chính (mái, cột, dầm, sàn, tường chịu lực,) hệ thống cơ - điện, hệ thống cấp thoát nước…và có giải pháp xử lý, khắc phục ngay khi sự cố xảy ra.
Khi phát hiện nhà ở có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn thì chủ sở hữu hoặc người quản lý, cần báo cáo ngay với chính quyền địa phương, tổ chức kiểm định chất lượng công trình.
Từ đó, thực hiện các biện pháp khẩn cấp như hạn chế hoặc ngừng sử dụng, di chuyển người và tài sản để đảm bảo an toàn nếu nhà ở có nguy cơ sập đổ.
Để hạn chế tranh chấp, những sự cố đáng tiếc, Thông tư 05 cũng nêu rõ: Trước khi thi công xây dựng, chủ nhà chủ động liên hệ với các chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận để kiểm tra hiện trạng và ghi nhận các khuyết tật của công trình liền kề, lân cận. Qua đó, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận có trách nhiệm phối hợp với chủ nhà để kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình làm căn cứ giải quyết các tranh chấp.
Trong quá trình thi công xây dựng, nếu công trình liền kề, lân cận có dấu hiệu bị lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ sập đổ do ảnh hưởng của việc xây dựng nhà ở gây ra, chủ nhà phải phối hợp với chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận để kiểm tra, xác định nguyên nhân và thống nhất biện pháp khắc phục.