Hồ nước trên núi vỡ kéo theo đất đá đổ xuống khu dân cư sáng 18/11. Ảnh: TL

Hồ nước trên núi vỡ kéo theo đất đá đổ xuống khu dân cư sáng 18/11. Ảnh: TL

Hố nước rung lắc đổ xuống như thác

Ông Ngô Văn Ửng (40 tuổi, một người dân có nhà sập) kể lại, sáng 18/11, mưa gió dữ dội, ông phát hiện nước từ trên núi đổ xuống như thác, tràn vào nhà mình. Thấp thỏm không yên, ông leo lên kiểm tra. Tới nơi, ông hốt hoảng thấy hồ nước của dự án xây khu dân cư trên cao đang rung lắc, nguy cơ vỡ.

Ông liền xuống núi, hô hoán cho hàng xóm hay biết, rồi cùng vợ ẵm hai con rời khỏi nhà. Lúc sau, hồ vỡ khiến nước tuôn xối xả, kéo theo đất đá trên cao xuống vùi lấp nhiều căn nhà phía dưới. "Sự việc diễn ra rất nhanh, nhà tôi cũng đổ sập, chỉ còn đống gạch vỡ, may gia đình tháo chạy kịp mới thoát thân", ông cho hay

Hồ nước này dài hơn 70m, ngang gần 20m, sâu hơn 2m, nằm trong dự án khu dân cư cao cấp Hoàng Phú. Công trình này nằm trên sườn núi, cao hơn 50 m so với khu dân cư, xung quanh được bao bởi đất và những tảng đá lớn. Khi mưa, nước trong hồ ứ đọng rồi dâng cao gây tràn vỡ.

“Hố nước” thi công trái phép

Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã đến kiểm tra "hồ nước" trên núi ở phường Vĩnh Hòa. Theo Sở Xây dựng, dự án khu dân cư Hoàng Phú rộng 11,5 hecta, nằm trên khu dân cư, do công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thanh Châu làm chủ đầu tư. Nơi đây dự kiến xây 380 căn biệt thự, nhà phố với mô hình khu phức hợp kín theo tiêu chuẩn quốc tế gồm công viên chuyên đề, vườn tri thức và đài thiên văn...

Ông Trần Văn Thọ - Phó giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa cho biết, qua kiểm tra, phát hiện tại dự án có nhiều hạng mục chưa được cấp phép nhưng vẫn thi công. Trong đó, chủ đầu tư thi công đường dẫn thoát nước mặt và múc đất tạo hố trên núi. Theo nguyên tắc, hệ thống đường dẫn gom nước từ trên núi phải chảy xuống dự án, nhưng đơn vị này đã để chảy thẳng xuống chân núi, ngay khu dân cư hiện hữu.

Ông Thọ lý giải, mỗi khi nước trên nguồn chảy xuống với hệ thống đường dẫn dài sẽ tạo nên lưu lượng "rất khủng khiếp". "Chủ đầu tư đã tác động làm thay đổi dòng chảy, tạo vùng trũng, dẫn đến sự cố", ông Thọ nói.

Về việc có thông tin cho rằng, chủ đầu tư làm hồ bơi với tên gọi "hồ tắm vô cực", ông Thọ nói rằng, thực tế sau khi kiểm tra chưa có hồ nhân tạo nào được xây, mà do họ đào đất tại núi tạo nên hố nước.

Trong quy hoạch 1/500 dự án có thể hiện hồ bơi, tuy nhiên nhà đầu tư chưa thực hiện. Bởi theo ông Thọ, khi thi công hồ bơi cần có thiết kế bản vẽ chi tiết và được cơ quan chức năng thẩm định cấp phép.

Ông Thọ cho biết đã làm báo cáo trình UBND tỉnh. Ngày 21/11, Thanh tra Sở Xây dựng sẽ lập biên bản, đình chỉ toàn bộ hoạt động thi công, ra quyết định xử phạt với những hạng mục sai phạm của dự án.

Trong khi đó, Thượng tá Phan Văn Cường - Trưởng Phòng tham mưu Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, đơn vị đã cử cán bộ đến hiện trường để xác minh.

Sáng 18/11, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Toraji suy yếu, TP Nha Trang có mưa lớn kéo dài 6 giờ khiến nhiều tuyến đường bị ngập cục bộ, một số tuyến giao thông tê liệt. Tại các khu dân cư ở xã Phước Đồng, phường Vĩnh Trường, Vĩnh Thọ, Vĩnh Hòa, mưa lớn kéo theo sạt lở núi khiến đất đá đổ xuống, vùi lấp hàng chục nhà dân khiến nhiều người chết và mất tích. Đến ngày 20/11, cơ quan chức năng đã tìm được 19 người tử vong, hiện vẫn còn một nạn nhân mất tích. Đó là ông La Hăng (SN 1950, trú tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang). Các lực lượng cứu hộ tiếp tục huy động hàng chục phương tiện cơ giới cùng hơn 850 cán bộ, chiến sĩ và người dân tổ chức tìm kiếm.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý đến đâu?

Xung quanh vụ hồ nước bị vỡ gây thiệt hại nghiêm trọng, nhiều ý kiến cho rằng, hồ bị vỡ rồi mới phát hiện nhiều hạng mục xây trái phép, vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu? Tại sao lại làm việc lỏng lẻo, tắc trách như vậy? Thực tế, người dân xây cái nhà bé tẹo mà có sai phạm là có sự xuất hiện lập tức của lực lượng thanh tra xây dựng, vậy mà một dự án mấy trăm ha nằm ngay ngõ vào của thành phố Nha Trang lại “nhìn không ra”? Đến bây giờ hậu quả khủng khiếp xảy ra, họ mới lên tiếng đổ lỗi cho công trình xây trái phép. Mong cơ quan điều tra hãy khởi tố vụ án, điều tra đến cùng người chịu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nói trên.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, đợt mưa lớn này đã làm 71 căn nhà bị sập, hư hỏng; thiệt hại diện tích lúa, hoa màu 308ha và 120ha diện tích nuôi cá, hơn 8.900 con gia cầm. Về giao thông, sạt lở 10.000m3 đất đá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông trên nhiều tuyến đường thuộc địa bàn tỉnh, như quốc lộ 1, quốc lộ 27C, đại lộ Nguyễn Tất Thành… Mưa lũ cũng khiến hơn 2.000m kênh mương bị hư hỏng, hơn 270m kè bị sạt lở.

Chính quyền TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cùng các tổ chức, đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các gia đình có người bị thiệt mạng, người bị thương. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ khẩn cấp cho gia đình có người thiệt mạng, người bị thương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng đi thăm và hỗ trợ cho các gia đình có người chết và bị thương nặng với số tiền 75 triệu đồng; Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (TPHCM) đã đến chia buồn và hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại trong đợt mưa lũ này với tổng số tiền 750 triệu đồng…

 

Theo Anh Thông/giadinh.net.vn