SCIC gắn liền với công cuộc xây dựng dở dang!

Tại Ftel và Vinaconex dưới thời SCIC, tình hình đầu tư và xây dựng cơ bản còn khá nhiều tồn tại. Một số dự án đầu tư chậm tiến độ, thậm chí có dự án đã dừng không thực hiện trong một thời gian dài khiến hiệu quả dự án không đạt mục tiêu.

Hàng loạt dự án kể đến như Dự án Khu nhà ở cán bộ công nhân viên Trạm nghiền xi măng Cẩm Phả - Vinaconex; Dự án đầu tư xây dựng và kinh danh hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao 2 – Khu công nghệ Láng Hòa Lạc Vinaconex; Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh Vinaconex; Dự án tòa nhà 2B Vinata Tower – Vinaconex; Dự án đầu tư Hệ thống cáp quang biển APG - FPT Telecom…

Theo báo cáo kiểm toán, SCIC còn đầu tư, góp vốn mua cổ phần của một số công ty kinh doanh bất động sản, tuy nhiên các doanh nghiệp này chậm triển khai trong thời gian dài dẫn tới số tiền đầu tư của SCIC bị tồn đọng nhiều năm, gây lãng phí vốn.

Trong đó, khoản góp vốn vào dự án của CTCP Đầu tư và Dịch vụ Thăng Long, SCIC đã đầu tư 110,3 tỷ đồng từ năm 2008 để triển khai dự án xây dựng cao tốc, văn phòng, căn hộ tại khu đất số 6 Thăng Long, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM nhưng đến nay dự án vẫn chưa triển khai.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, nguyên nhân do SCIC dùng quyền sử dụng đất để hợp tác, góp vốn, với các đối tác để thành lập pháp nhân thực hiện dự án, tuy nhiên thủ tục góp vốn, chuyển quyền sử dụng đất sang pháp nhân mới gặp nhiều khó khăn, không thực hiện được từ năm 2009 đến nay dẫn đến dự án không thể triển khai.

SCIC cũng góp 199 tỷ đồng từ năm 2007, để hợp tác với Bảo Việt Nhân Thọ thực hiện dự án Tháp Tài chính tại địa chỉ 220 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội nhưng đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai.

Đã bao nhiêu năm, nhưng tháp tài chính vẫn nằm trên giấy, và bãi đất hoang vị trí đẹp bậc nhất tại Hà Nội cũng tồn tại từng đó năm

Đã bao nhiêu năm tháp tài chính vẫn nằm trên giấy, và bãi đất hoang vị trí đẹp bậc nhất tại Hà Nội cũng tồn tại từng đó năm

Nguyên nhân được chỉ ra là do tỷ lệ góp vốn giữa SCIC và Bảo Việt Nhân Thọ là 50 - 50 nên không bên nào có quyền quyết định. Ngoài ra, do tình hình bất động sản trầm lắng, do các bên trình cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chiều cao dự án để đảm bảo yếu tố hiệu quả đầu tư.

Ngoài ra, SCIC còn góp vốn vào Dự án của CTCP Tháp truyền hình với số tiền 49,5 tỷ đồng từ năm 2015. Các bên đã trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án lên Chính phủ từ tháng 4/2016 nhưng chưa được xem xét, phê duyệt. Đến năm 2017, SCIC được Thủ tướng chấp thuận chủ trương thoái vốn khỏi dự án.

Đứt gánh” với mối lương duyên 5.000m2 cùng CTCP Đầu tư và Dịch vụ Thăng Long

Ngoài ra, SCIC còn một số tồn tại liên quan đến tình hình góp vốn tại dự án đầu tư của CTCP Đầu tư và Dịch vụ Thăng Long. Chẳng hạn như, khu đất số 6 Thăng Long, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM có diện tích 5.055m2 được giao cho SCIC với mục đích làm cơ sở sản xuất kinh doanh, thời hạn 50 năm. Tổng số tiền SCIC đã nộp là 110,3 tỷ đồng và SCIC đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 27/11/2009.

Ngày 15/10/2009, SCIC đã ký Biên bản thoả thuận góp vốn với 3 đối tác là Công ty CP Đầu tư Á Châu (ACI), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và CTCP Hàng không Jetstar Pacific Airline (JPA) để thành lập CTCP Đầu tư và Dịch vụ Thăng Long với mục đích đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác dự áo cao ốc tại số 6 Thăng Long.

Doanh nghiệp trên có vốn điều lệ 170 tỷ đồng, trong đó SCIC góp 48% vốn điều lệ bằng một phần quyền sử dụng đất, ACI và ACB góp 47% bằng tiền, JPA góp 5% bằng tiền.

Đến ngày 13/7/2015, các bên ký phụ lục hợp đồng trong đó SCIC góp vốn bằng toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất. Đến nay dự án vẫn chưa triển khai, cơ quan chức năng của TP.HCM chưa xác nhận việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất của SCIC vào CTCP Đầu tư và Dịch vụ Thăng Long.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, SCIC đã ký biên bản thoả thuận góp vốn với 3 đối tác bằng một phần giá trị quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2003 chỉ quy định trình tự, thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất, không quy định trường hợp dùng một phần quyền sử dụng đất để góp vốn.

Ngoài ra, việc SCIC ký hợp đồng hợp tác chưa phù hợp với quy định, làm cho thủ tục góp vốn không thể thực hiện. Đến năm 2015, các bên mới điều chỉnh nội dung thoả thuận, theo đó SCIC góp toàn bộ quyền sử dụng đất vào CTCP Đầu tư và Dịch vụ Thăng Long.

Chứng thư thẩm định giá để SCIC làm cơ sở góp vốn được lập tại thời điểm tháng 9/2009 xác định giá trị quyền sử dụng đất là 112,8 tỷ đồng và có hiệu lực trong 6 tháng.

Tuy nhiên, khi chính thức ký hợp đồng góp vốn vào ngày 1/11/2011, thời hạn chứng thư đã hết nhưng SCIC vẫn thống nhất với các đối tác giá trị quyền sử dụng đất là 112,8 tỷ đồng (tương đương 22,3 triệu đồng/m2) mà không tiến hành thẩm định lại tại thời điểm tháng 11/2011 và tháng 7/2015.

Được biết, ngày 22/5/2018, Hội đồng thành viên SCIC đã ban hành Nghị quyết thống nhất tạm dừng thực hiện góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vào Công ty Thăng Long, đàm phán với các cổ đông khác về giá trị vốn góp của SCIC bằng quyền sử dụng đất.

Đến nay, 47% vốn góp của ACB và ACI đã chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân khác. Kiểm toán đánh giá, việc chuyển nhượng này sẽ gây khó khăn cho SCIC trong việc đàm phán với các cổ đông trong công ty cổ phần về giá trị vốn góp của SCIC bằng quyền sử dụng đất tại công ty cổ phần nhằm đảm bảo lợi ích của SCIC.

Vy Thương

Theo Reatimes.vn