TPB bật tăng trong làn sóng hồi phục của thị trường, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng nhờ định giá hấp dẫn

Trong 2 tuần đầu tháng 7, cổ phiếu TPB đã tăng 10%, đóng cửa phiên 15/7 ở giá 14.750 đồng/cp. Và so với đáy ngày 9/4, cổ phiếu TPB đã tăng tới 35%.

Cổ phiếu của "ngân hàng tím" có chuỗi phiên giao dịch sôi động, đặc biệt phiên 9/7 chứng kiến sự bứt phá ấn tượng của TPB khi tăng trần 6,79%, đi kèm khối lượng khớp lệnh vọt lên 62 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch hơn 900 tỷ đồng, cao nhất trong hơn 3 tháng.

Đáng chú ý, cổ phiếu TPB chứng kiến lực mua ròng bền bỉ từ nhà đầu tư nước ngoài với 8 phiên mua ròng liên tiếp. Kể từ đầu tháng 7 đến nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 28 triệu cổ phiếu TPB, giá trị hơn 400 tỷ đồng, là một trong những mã ngân hàng được nhà đầu tư nước ngoài gom mạnh nhất trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi và tâm lý nhà đầu tư cải thiện rõ rệt.

Hiện tại, cổ phiếu TPB đang được giao dịch với hệ số P/B chỉ 0,91 lần – thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân của nhóm ngân hàng tư nhân niêm yết. Với mức chiết khấu sâu như vậy, TPB được đánh giá là một trong những mã cổ phiếu có định giá hấp dẫn bậc nhất ngành ngân hàng hiện nay.

Theo báo cáo phân tích gần đây, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) tiếp tục khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu TPB trong danh mục đầu tư dài hạn, cho rằng mức định giá hiện tại đang phản ánh quá thận trọng so với tiềm năng thực sự của ngân hàng.

Trong khi đó, MBS Research giữ nguyên đánh giá khả quan và đặt mục tiêu giá 18.200 đồng/cổ phiếu. Theo MBS Research, TPBank sở hữu lợi thế cạnh tranh rõ nét trong mảng ngân hàng số, nhờ vào nền tảng công nghệ hiện đại, khả năng tiếp cận khách hàng trẻ tốt và định vị vững chắc trong mảng bán lẻ. Công ty chứng khoán này dự báo tăng trưởng tín dụng của TPBank sẽ đạt 18,8% trong năm 2025 và duy trì quanh mức 15% năm 2026 – vượt trội so với bình quân ngành. Ngoài ra, TPBank đang chuyển dịch mạnh sang các nguồn thu ngoài lãi, đặc biệt là phí dịch vụ nhờ tối ưu hóa sản phẩm số và chiến lược đa dạng hóa doanh thu.

Kinh doanh ổn định, cổ tức đều đặn, gia tăng giá trị cổ đông

TPBank cũng được đánh giá cao bởi chính sách cổ tức chiều lòng cổ đông. Trong tháng 5/2025, ngân hàng đã thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Đồng thời, Đại hội đồng cổ đông thường niên đã thông qua phương án phát hành hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5%.

Sau phát hành, vốn điều lệ của TPBank dự kiến tăng lên hơn 27.740 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn được trích từ lợi nhuận chưa phân phối sau kiểm toán đến ngày 31/12/2024, cho thấy năng lực tạo lợi nhuận ổn định và cam kết đồng hành lâu dài với cổ đông.

Về kết quả kinh doanh, TPBank tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng tích cực với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm dự kiến đạt trên 4.100 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng đạt gần 11,7%, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bán lẻ, bất động sản có kiểm soát và tài chính tiêu dùng – những mảng mang lại biên lãi ròng cao. Ngân hàng duy trì hoạt động an toàn, tuân thủ các quy định về thanh khoản, tỷ lệ an toàn vốn và tăng trưởng tín dụng hợp lý. Đồng thời, TPBank không ngừng đầu tư mở rộng hệ sinh thái số nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và tăng năng suất lao động.

TPBank đang cho thấy hình mẫu ngân hàng tư nhân có năng lực quản trị hiệu quả, tăng trưởng bền vững và linh hoạt thích ứng với bối cảnh mới. Với chiến lược chuyển đổi số được triển khai bài bản, chất lượng tài sản được kiểm soát tốt và định giá cổ phiếu ở mức hấp dẫn, TPB hứa hẹn là mã cổ phiếu đáng chú ý trong danh mục của các nhà đầu tư trung - dài hạn.

Theo Trúc An/Đô thị mới

Nguồn: https://reatimes.vn/tpb-ghi-nhan-suc-mua-tich-cuc-nho-dinh-gia-hap-dan-202250716111354058.htm