Ảnh minh họa. Nguồn: TL
Mục tiêu của Nghị quyết 17/NQ-CP nhằm hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; nâng xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng từ 10 đến 15 bậc năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc đến năm 2025.
Cụ thể, trong giai đoạn 2019 - 2020, khẩn trương xây dựng, phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu… và là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, trước hết thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử; tiếp tục hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp. Nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, xác định đây là hạ tầng truyền dẫn căn bản trong kết nối các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử và liên thông, chia sẻ dữ liệu.
Có 20% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống thông tin Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của từng bộ, ngành, địa phương đạt từ 20% trở lên; tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.
Tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4; 50% Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh cung cấp giao diện cho các thiết bị di động; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; 50% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% Cổng Thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương công khai thông tin đầy đủ; 20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện thủ tục hành chính; 50% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử; 20% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến; 50% dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp…
Nghị quyết đã đưa ra 6 nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu trên, trong đó, hoàn thành cập nhật Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0), bổ sung mô hình tham chiếu các hệ thống thông tin dùng chung và các Cơ sở dữ liệu quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 5/2019.
Bộ Thông tin và Truyền thông được giao xây dựng Kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025, công bố và định kỳ cập nhật hàng năm trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ thông qua việc tích hợp Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh, kiến trúc các hệ thống thông tin dùng chung và các Cơ sở dữ liệu quốc gia. Hoàn thành xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) trong tháng 9/2019 và thường xuyên cập nhật, ban hành các phiên bản tiếp theo phù hợp với các phiên bản cập nhật Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; triển khai áp dụng Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh đã được ban hành trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử tại các bộ, ngành, địa phương.
Xây dựng, triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, chia sẻ, khai thác dữ liệu với hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia và các hệ thống thông tin khác, đưa vào sử dụng chính thức từ năm 2020, tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, hoàn thành trong năm 2019…