Theo Kế hoạch, hàng trăm tụ điểm kinh doanh buôn bán hàng giả nổi cộm tại 20 tỉnh, thành phố sẽ nằm trong kế hoạch đấu tranh, kiểm tra, xử lý gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Kiên Giang.
Cùng với đó, các mặt hàng sẽ nằm trong diện đấu tranh, kiểm tra, xử lý là thực phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi ví và các loại mặt hàng khác có xuất hiện tình trạng hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các địa bàn nổi cộm theo danh sách trên.
Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Mục tiêu của Kế hoạch này dự kiến đến hết tháng 3 năm 2020 sẽ có 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm được tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và không tái phạm.
Ngoài ra, 100% số cơ quan, chính quyền, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, tuyến phố, phường, xã, thôn, xóm... tại các địa bàn nổi cộm được tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết, quy chế phối hợp không để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bày bán công khai, vi phạm tái diễn.
Đặc biệt, đến hết tháng 6 năm 2020 sẽ có 50% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 70% số cơ sở kinh doanh đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm.
Theo đó, đến hết tháng 12 năm 2020 sẽ có tới 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm.
Kế hoạch sẽ được triển khai bắt đầu từ tháng 12/2019 đến hết tháng 12/2020.