Sự thật về que thử ung thư
Trên thực tế, que thử ung thư xuất hiện đầu tiên tại Mỹ. Tháng 2/2014, Fox News đưa tin trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ (PNAS), các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho biết đã phát triển một loại que thử có thể phát hiện các khối u và máu đông ở chuột hoạt động gần giống que thử thai.
Các que thử được phủ kháng thể có khả năng nhận biết các mảnh vỡ của chất chỉ điểm sinh học. Khi bệnh nhân tiểu lên que thử, que sẽ chỉ một vạch nếu tế bào ung thư hoặc cục máu đông hiện diện trong cơ thể bệnh nhân.
Nhóm tác giả cho biết xác định protein ung thư là điều không hề dễ dàng. Vì vậy, họ đã tạo ra loại hạt nano dùng để tiêm vào cơ thể giúp tìm ra các protein được sản xuất bởi tế bào ung thư.
Khi protein ung thư và hạt nano tiếp xúc với nhau, chúng sẽ tạo ra các mảnh vỡ nhỏ của chất chỉ điểm sinh học tổng hợp rồi được thải ra theo nước tiểu.
Trong trường hợp kiểm tra máu đông, các hạt nano sẽ được thiết kế để tìm ra khối huyết thay vì protein ung thư.
Như vậy, để kiểm tra ung thư bằng que thử, người bệnh cần được tiêm hạt nano trước chứ không thể sử dụng que thử ngay.
Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu loại hạt nano có thể cấy lên da để tiện theo dõi lâu dài và chưa có thêm thông tin về hiệu quả của que thử trên người.
Một số chuyên gia còn nhận định que thử không mang lại nhiều ý nghĩa nếu bệnh nhân biết mình bị ung thư mà không có tiền điều trị.