Cụ thể, từ 1-1 đến 15-1, cả nước xảy ra 322 vụ TNGT, làm chết 249 người, bị thương 158 người. So với 2 tuần liền kề trước đó, giảm 31 vụ, giảm 38 người chết, giảm 57 người bị thương. Đặc biệt, trong 2 tuần qua không có vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng nào cũng như không có vụ TNGT thương tâm nào do rượu, bia gây ra.
Thông tin từ Bệnh viện Việt Đức cũng cho biết, trong 2 tuần qua, tỷ lệ bệnh nhân bị tai nạn giao thông có nồng độ cồn đã giảm 10%. Các vụ tai nạn có mức độ tổn thương nặng nề, xử lý phức tạp cũng đã giảm hơn, đội ngũ bác sĩ trực bệnh viện đã giảm tải được một phần công việc.
Về công tác xử phạt theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, trong 2 tuần qua, đã có 6.279 trường hợp bị xử lý vi phạm nồng độ cồn, xử phạt hành chính trên 21 tỷ đồng. Các địa phương có kết quả xử lý cao là Quảng Ninh (475 trường hợp), Thanh Hóa (379 trường hợp), Tây Ninh (341 trường hợp). Các địa phương khác như Bình Dương, Hà Nội, TPHCM, Vĩnh Phúc đều xử phạt trên 200 trường hợp. Nhiều địa phương đã xử lý những trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức cao với mức xử phạt từ 20 triệu đồng trở lên.
Đáng nói, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cảnh sát giao thông đã xử lý nhiều công chức vi phạm. Tại tỉnh Thái Bình, cảnh sát giao thông đã xử phạt một phó giám đốc bệnh viện mức 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Tại tỉnh Quảng Bình, cảnh sát giao thông đã xử phạt một phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo mức 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Riêng tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh và thành phố Hà Nội, ngoài xử phạt các trường hợp điều khiển xe gắn máy, ô tô sử dụng rượu, bia lực lượng chức năng đã xử phạt cả người điều khiển xe đạp, xe máy điện vi phạm về nồng độ cồn, trong đó có cả người nước ngoài.
Theo đánh giá chung của Ủy ban ATGT Quốc gia, mặc dù mới thực thi được 2 tuần nhưng Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đang có tác động rất tích cực đến toàn xã hội, đã được hầu hết người dân ủng hộ, tạo sự chuyển biến khá nhanh về hành vi của người tham gia giao thông.