Khi nói đến bệnh tâm thần mọi người thường hình dung đến hình ảnh những người xấu xấu bẩn bẩn, quái dị, hành động kỳ quặc, kêu la, cởi bỏ quần áo, tính khí bất thường, hành vi không giống ai... Điều này làm nhiều người hiểu sai về bệnh tâm thần và mất đi cơ hội được thăm khám và điều trị hiệu quả.
Tỷ lệ người Việt Nam có khả năng bị bệnh tâm thần một lần trong đời là 15 - 20% dân số dựa theo thống kê gần đây của Viện sức khoẻ tâm thần trung ương. Bệnh tâm thần rất phổ biến trong cộng đồng. Như trầm cảm chiếm tới 6% dân số, các rối loạn lo âu hơn 10%, tâm thần phân liệt 1%, rối loạn cảm xúc lưỡng cực chiếm 1%, nghiện rượu, ma túy, game online đang gia tăng mạnh mẽ về số lượng.
Điều này có nghĩa là bệnh tâm thần là bệnh thường gặp trong cộng đồng, thậm chí trong trong mỗi giai đoạn cuộc đời mỗi chúng ta. Bệnh tâm thần không chỉ là biểu hiện bất thường mà xã hội lâu nay định kiến, hình dung. Mà nó là những biểu hiện, triệu chứng xuất hiện đâu đó trong cuộc sống của mỗi người.
Ảnh minh họa.
Người bị tâm thần phân liệt có thể bị các triệu chứng điển hình nghiêm trọng như:
Hoang tưởng: Là những ý tưởng sai lầm, không phù hợp với thực tế, do bệnh tâm thần gây ra nhưng bệnh nhân lại cho là đúng, không thể giải thích hay phê phán được. Nội dung hoang tưởng rất đa dạng, thường gặp nhất là:
- Hoang tưởng tự cao: Ví dụ tưởng mình là tướng chỉ huy quân đội mặc dù chưa từng đi bộ đội. Bệnh nhân nghĩ rằng mình có thể chữa được các loại bệnh khó như ung thư dù họ chưa từng học ngành y.
- Hoang tưởng bị hại: Ví dụ bệnh nhân nghĩ rằng hàng xóm hay người trong gia đình đang tìm cách đầu độc mình.
- Hoang tưởng bị chi phối: Người bệnh nghĩ rằng có một thế lực vô hình nào đó đang kiểm soát mọi suy nghĩ hay hành động của mình.
Tùy theo từng thể hoang tưởng, bệnh nhân sẽ có một số phản ứng tương ứng. Chẳng hạn như từ chối ăn cơm chung với gia đình và tự nấu ăn riêng vì nghi ngờ có người đang tìm cách đầu độc mình.
Ảo thanh: Bệnh nhân nghe một hay nhiều giọng nói tưởng tượng vang lên trong đầu hay bên tai. Nội dung của ảo thanh thường là đe doạ, buộc tội, chửi bới hay nhạo báng. Họ sẽ có một số phản ứng tùy theo nội dung của ảo thanh. Chẳng hạn, họ sẽ bịt tai khi nghe thấy ảo thanh là chửi bới. Bệnh nhân sẽ có hành vi tự vệ nếu nội dung của ảo thanh là đe doạ, thậm chí có thể giết người mà nghĩ là đang tự vệ.
Rối loạn khả năng suy nghĩ: Lời nói của bệnh nhân trở nên khó hiểu. Đang nói họ chuyển sang chuyện khác hoặc đột ngột ngưng lại rồi một lúc sau mới nói tiếp chủ đề cũ. Đôi khi bệnh nhân nói lung tung đến nỗi người nghe không hiểu họ nói gì.
Bệnh nhân tâm thần phân liệt có thể kèm theo số triệu chứng ít nghiêm trọng hơn như:
Mất ý muốn làm việc: Bệnh nhân không thể tiếp tục làm việc tốt tại cơ quan hay học tập tốt trong trường học. Trường hợp nặng hơn có thể không còn làm tốt được các công việc đơn giản hằng ngày như quét nhà, giặt giũ, nấu ăn. Nặng nhất là bệnh nhân không còn chú ý đến vệ sinh cá nhân, không tắm rửa, ăn uống kém. Lưu ý: Tình trạng này do bệnh gây ra chứ không phải bệnh nhân lười biếng.
Giảm sự biểu lộ tình cảm: Sự biểu lộ tình cảm của bệnh nhân bị giảm sút nhiều. Họ không phản ứng trước các sự kiện vui buồn hoặc ngược lại tỏ ra buồn bã khi có sự kiện vui và vui cười khi có chuyện buồn.
Cách ly xã hội: Bệnh nhân không muốn tiếp xúc với người khác, không nói chuyện với cả những người thân trong gia đình. Điều này có thể do bệnh làm cho khả năng nói chuyện bị giảm sút hoặc bệnh nhân không muốn tiếp xúc với người khác vì hoang tưởng sợ ai đó hại mình.
Không nhận thức được bản thân bị bệnh: Thông thường nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt không nghĩ mình bị bệnh nên từ chối đến gặp bác sĩ để chữa trị.
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt cho đến nay vẫn chưa được biết rõ nên việc chữa trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và phục hồi chức năng tâm lý xã hội. Do trong thực tế có sự kết hợp giữa những yếu tố về sinh học và môi trường đối với cơ chế sinh bệnh nên việc điều trị phải phối hợp nhiều liệu pháp khác nhau tùy theo giai đoạn phát triển của bệnh. Có thể sử dụng liệu pháp tâm lý và dùng các thuốc chống loạn thần.
Về liệu pháp tâm lý: cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa thực hiện việc truyền thông giáo dục sức khỏe để làm cho gia đình người bệnh có được sự hiểu biết cần thiết, nhận thức được bệnh lý tâm thần phân liệt; cần cảm thông, chấp nhận, quan tâm trong việc đối xử và chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt là người thân của mình...
Dùng thuốc chống loạn thần: trong trường hợp người bệnh lên cơn tâm thần phân liệt cấp tính, phải cho bệnh nhân uống thuốc chống loạn thần và cố gắng nhanh chóng đưa người bệnh ra khỏi tình trạng loạn thần nặng như kích động, hoang tưởng, ảo giác... Các thuốc chống loạn thần đối với bệnh nhân là rất cần thiết, có tác dụng hiệu quả và thường được dùng để xử trí những trạng thái loạn thần cấp tính, chống tái phát, chống mạn tính hóa. Các loại thuốc được sử dụng đều là thuốc có tác dụng mạnh, phải được chỉ định dùng một cách hết sức thận trọng, cần theo dõi chặt chẽ việc cho uống thuốc; đồng thời vấn đề chọn thuốc, quy định liều lượng dùng phải chính xác, phù hợp với loại bệnh, thể bệnh và từng trường hợp bệnh nhân. Thuốc khởi đầu phải dùng liều thấp để thăm dò khả năng dung nạp của người bệnh, rồi sau đó tăng dần liều lượng cho đến mức có tác dụng điều trị hiệu quả; duy trì liều ổn định và giảm dần trước khi ngừng sử dụng thuốc theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Lily (th)