Chiều 6-4, tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội đã báo cáo về công tác chỉ đạo, triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua.
Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng
Tính đến 14h ngày 6-4-2020, thành phố Hà Nội có 98 ca nhiễm Covid-19, trong đó, 31 trường hợp đã được công bố khỏi bệnh, số còn lại đang được điều trị. Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo ghi nhận chung, các cấp, các ngành và nhân dân thành phố Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Thành phố Hà Nội đã công khai, minh bạch tất cả thông tin về các trường hợp mắc Covid-19 và các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân để người dân biết, chủ động khai báo khi có tiếp xúc; định hướng dư luận để tránh hoang mang khi tình hình dịch có diễn biến phức tạp. Các cơ quan báo chí đã bám sát chỉ đạo, định hướng thông tin công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Trung ương, thành phố để tổ chức tuyên truyền.
Về kết quả rà soát các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, thành phố Hà Nội đã rà soát được 25.305 trường hợp tại cộng đồng. Các đơn vị đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm được 12.802 trường hợp, trong đó có 4.405 trường hợp có kết quả âm tính, 4 trường hợp có kết quả dương tính, số còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm.
Về kết quả rà soát các trường hợp liên quan đến bệnh nhân số 237 (người Thụy Điển), thành phố Hà Nội đã điều tra dịch tễ 4 bệnh viện và 1 khách sạn, xác định 101 các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh (F1) và 357 trường hợp tiếp xúc với F1 (F2). Đến nay, về cơ bản các trường hợp F1 đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Giữ ổn định thị trường hàng hóa thiết yếu và bảo đảm an sinh xã hội
Liên quan đến công tác chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố ứng phó với dịch Covid-19, trong đó tập trung vào cấp độ 3 và cấp độ 4. Trên địa bàn thành phố có 26 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi, 128 chuỗi kinh doanh thực phẩm, 455 chợ, các hệ thống phân phối nhu yếu phẩm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, xăng dầu, gas... vẫn mở cửa hoạt động bình thường. Việc dự trữ hàng hóa của các đơn vị dồi dào, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến.
Bên cạnh việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thành phố Hà Nội cũng bảo đảm công tác an sinh xã hội. Theo đó, thành phố dự kiến bổ sung nguồn vốn ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Công tác hỗ trợ cho việc phòng, chống dịch được tích cực triển khai. Tính đến 17h ngày 5-4-2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tiếp nhận hơn 10 tỷ đồng tiền mặt và các thiết bị, vật tư y tế, nhu yếu phẩm trị giá hơn 12,7 tỷ đồng.
Với mục tiêu ngăn chặn dịch hiệu quả, thời gian tới, thành phố Hà Nội tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ 8 giải pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2601/VPCP-KGVX về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19;
Thứ hai, tập trung điều tra, xác minh, xử lý đối với những ca bệnh, ổ dịch phức tạp, trước mắt là tập trung giải quyết dứt điểm ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai và ca bệnh số 237;
Thứ ba, tiếp tục tổ chức xét nghiệm nhanh tại cộng đồng để kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh, tăng công suất xét nghiệm, mở rộng chỉ định xét nghiệm với phương châm xét nghiệm rộng rãi, xét nghiệm lần 2 đối với các trường hợp đang cách ly tập trung;
Thứ tư, các bệnh viện thực hiện nghiêm quy trình cách ly, điều trị bệnh nhân, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn để tránh lây nhiễm;
Thứ năm, tiếp tục thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn, đặc biệt là tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, khu vực có người tiếp xúc với ca bệnh...;
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 để người dân nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch, nắm rõ các dấu hiệu mắc bệnh, chủ động khai báo y tế khi có yếu tố nguy cơ, tự giác thực hiện cách ly khi có yêu cầu của cơ quan chức năng;
Thứ bảy, bảo đảm cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân, bảo đảm nguồn hàng hóa dự phòng, sẵn sàng cung ứng trong mọi tình huống;
Thứ tám, tăng cường kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại các quận, huyện, thị xã.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ từ điểm cầu thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định: Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, phấn đấu kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô.