Dư luận xôn xao
Sáng ngày 4/9, trên trang mạng xã hội, GS. Hà Đình Đức đăng tải bức ảnh gắn tên đường “Ướp Lạnh” đoạn giao cắt với phố Hàm Nghi nằm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). GS. Đức và nhiều người tỏ ra rất băn khoăn với tên đường rất lạ đó.
Sau đó GS. Hà Đình Đức đề nghị ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội làm rõ tên đường “Ướp Lạnh” có trong danh sách tên đường phố Hà Nội hay không.
Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội cho biết đã có văn bản yêu cầu quận Nam Từ Liêm giải trình về tên đường "Ướp Lạnh". Đây là tên đường đã được gắn cho đoạn phố vuông góc với phố Hàm Nghi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Sở này cũng cho biết, hiện biển tên phố này đã được hạ xuống.
Trước đó, lãnh đạo Công ty cổ phần Công trình giao thông 2 Hà Nội cho biết đã cho công nhân gắn biển đường "Ướp Lạnh". Vị đại diện này cho biết tên đường "Ướp Lạnh" được chọn do là tên địa danh mà người dân khu vực này đã quen gọi từ rất lâu.
Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội - cho biết, nhìn tấm biển như vậy ông cũng thấy rất lạ. Trong buổi sáng ông Động đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư quận Nam Từ Liêm để nắm rõ tình hình. Theo ông Động, Bí thư quận Nam Từ Liên đã yêu cầu các đơn vị liên quan tháo dỡ ngay tấm biển tên đường “Ướp Lạnh”.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP Hà Nội) Nguyễn Thị Thùy khẳng định trong 5 năm gần đây, HĐND TP Hà Nội không thông qua quyết định đặt đổi tên đường phố là “Ướp Lạnh”.
Ông Hoàng Ngọc Đức, Đội trưởng thanh tra giao thông quận Nam Từ Liêm cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin có tuyến đường kể trên, ông đã trực tiếp xuống tìm hiểu tình hình. Qua xác minh ông Đức khẳng định đúng là có tấm biển gắn tên đường “Ướp Lạnh”.
Đại diện quận Nam Từ Liêm cũng xác nhận tấm biển này được Công ty Cổ phần Công trình giao thông 2 Hà Nội (đơn vị thuộc Sở GTVT Hà Nội) gắn lên chứ không phải người dân khu vực tự ý làm. Sau khi biết được sự việc phía quận đã đề nghị công ty này gỡ ngay tấm biển.
“Tại sao không thể là Ướp Lạnh?”
Chiều 5/9, ông Nguyễn Văn Quang - chủ quán nước nhỏ nằm ngay đầu đường K2 hay còn gọi là đường Ướp Lạnh cho biết, hằng ngày có rất nhiều người qua đây nhờ ông chỉ giúp đường.
Theo ông Quang, phần lớn người hỏi đường chỉ nhắc đến cái tên Ướp Lạnh, rất ít hỏi đường K2. Hơn nữa, với những người dân sinh sống trên con đường này, nếu có người đến chơi mà không biết đường, họ cũng hướng dẫn hỏi đường với cái tên cũ.
“Hỏi đường phần lớn mọi người đều hỏi cái tên Ướp Lạnh. Tên K2 cũng chỉ là cái tên tạm thời, không quen thuộc bằng tên cũ”, ông Quang nói.
Người đàn ông này cũng cho biết, tên Ướp Lạnh có từ những năm khi còn bao cấp. Vì nơi đây có một nhà máy sản xuất đá lạnh và ướp lạnh thực phẩm rất lớn, nên gọi nhiều thành quen.
“Nhiều người liên tưởng rồi nói ghê ghê, nhưng với người dân quanh vùng này chẳng có gì là lạ. Quan trọng tên phải thuận tiện, quen thuộc cho người dân chính nơi đó, chứ giờ đặt một cái tên lạ lẫm hoặc tên mĩ miều chúng tôi cũng không thích ”, ông Quang nói.
Cũng như vậy, bà Hà (tổ 15) chia sẻ, tên gọi cũ đã có từ hàng chục năm nay. Cách đây một tuần đi chợ qua đây, bà Hà thấy tấm biển chỉ đường với tên Ướp lạnh được gắn, bà thấy rất thích thú.
“Tôi thấy rất nhiều tên đường ở nhiều nơi do người dân ở đó tự đặt tên như ngõ Cây Thị, chợ Cây Đa, ngõ Lò Gạch, đường Thiên Lôi…Tên nghe không hay nhưng dân dã, quen thuộc. Hôm trước đi chợ, tôi thấy có biển chỉ tên đường Ướp Lạnh tôi rất thích, còn về khoe với con cháu. Hôm nay đi qua, tôi lại thấy tháo dỡ đi rồi, tôi rất tiếc”, bà Hà chẹp miệng nói.
Hỏi về mong muốn đặt tên cho con đường, phần lớn nhiều người dân được hỏi đều mong muốn có một cái tên quen thuộc, thuận tiện. Và họ đều cho rằng, đặt tên Ướp Lạnh là hợp lý.
Về điều này, nickname Quan Vu cho biết: Cuối đoạn đường này có nhà máy ướp lạnh chuyên ướp lạnh thực phẩm (cùng với nhà máy nước đá Nà Mội) để xuất khẩu từ thời bao cấp bạn nhé. Hiện xí nghiệp ướp lạnh đã phá sản nhưng vẫn còn khu tập thể và công nhân nhà máy sinh sống ở khu vực này từ 40 năm nay.
Một người tự nhận là đang sinh sống trong khu tập thể nhà máy ướp lạnh cho biết: “Cái tên này thân yêu này gắn liền với cán bộ công nhân viên nhà máy ướp lạnh từ lâu rồi. Mặc dù nhà máy đã phá sản nhưng nó luôn là một phần máu thịt của chúng tôi”.
Một ý kiến khác trên mạng cho rằng: “Cái sai vụ này chỉ là tên đường chưa được cấp phép đã trưng biển thôi. Chứ đoạn đường này từ rất lâu rồi, dân quanh khu vực đã gọi tên là "đường ướp lạnh", khu tập thể ướp lạnh, vì có cái nhà máy đông lạnh ở đó”.
Ý kiến này cũng phân tích: “Có rất nhiều con đường do dân gian tự đặt tên, mặc dù không hay, không ý nghĩa nhưng vẫn được công nhận. Nên con đường này thiết nghĩ cũng không cần phải ầm ĩ làm gì. Bởi dẫu sao tên đó không thật hay, thật đẹp như mong muốn của nhiều người, nhưng nó cũng dễ nhớ, lại không vi phạm thuần phong mỹ tục”.
Ông Trần Xuân Nghĩa (Tổ trưởng tổ dân phố số 15) cho biết, hiện tại con đường này vẫn chưa có tên chính thức. Đường Ướp Lạnh có từ ngày xưa do người dân gọi mãi thành quen. Còn tên K2 có từ năm 1982 – khi bắt đầu thành lập thị trấn Cầu Diễn. Phường Cầu Diễn cũng đã gửi đề nghị lên thành phố để đặt tên cho con đường nhưng vẫn chưa được duyệt.
“Tên Ướp Lạnh các cụ đã gọi từ ngày xưa quen thuộc hơn. Tuy nhiên, hiện tại một số thủ tục hành chính như bảng giá đất, sổ đỏ thì lấy tên K2. Biển chỉ đường Ướp Lạnh mới được gắn cách đây 1 tuần, nhưng sau khi có ý kiến từ trên, biển đã được gỡ đi”, ông Nghĩa nói.
Như vậy, con đường được gọi là "Ướp Lạnh" dựa trên tên dân gian đã phát sinh từ lâu năm. Nó giống như ngõ Lò Lợn ở gần chợ Mơ, được đặt cho một ngõ có lò mổ lớn ở đó.
Tuy nhiên, sự việc khiến công chúng muốn biết, vậy đoạn phố từng được gắn biển "Ướp Lạnh" này khi hạ biển xuống sẽ có tên gì, và bao giờ thì có.
Điều này sẽ giúp định vị, tìm đường dễ hơn. Một lãnh đạo ngành văn hóa ở Hà Nội cho biết: “Việc đặt tên phố phải có quy trình. Hà Nội một năm chỉ có một lần đặt tên”.Như vậy, chưa biết bao giờ đoạn phố này sẽ có tên mới theo đúng quy trình./.