Có lúc tôi cứ nghĩ, ngày trước thì còn mong đến Tết được ăn miếng giò, miếng bánh chưng, thậm chí là cũng chỉ ngày Tết mới có miếng lòng; còn bây giờ thì người ta còn không cả dám ăn; nhiều người bị gút, tiểu đường, mỡ máu… còn ăn kiêng hơn gái đẻ, vậy mà sao người ta vẫn cứ phải chạy đôn chạy đáo để lo cho miếng ăn ngày Tết đến thế.

Đầu tháng Chạp tôi về quê có giỗ, dặn cô em gái sắm sửa Tết vì tôi đến 29 mới về, cô em hỏi lại: “Thế anh có mua tràng lợn không?”. Tôi gật đầu: “Ừ thì mua mấy cân, Tết cho nó khác vị đi, chứ trở đi giò nem, thịt gà, trở lại thịt gà, giò nem… ngán lắm”.

Thấy tôi dặn mua nhưng có vẻ hờ hững, cô em bảo: “Thứ này ở quê bây giờ cũng hiếm lắm, không dặn trước là không có đâu”. Rồi qua câu chuyện, tôi mới vỡ ra là ở quê bây giờ đi tết sếp, tất nhiên là sếp ở quê thôi, ví như hiệu trưởng hay giáo viên chủ nhiệm…, người ta không tết cân giò hay con gà như trước, mà quà Tết phải là dạ dày, tràng lợn mới quý.

Ấy là ở quê. Còn lên Hà Nội, mỗi khi đến cơ quan thì thôi rồi, các bà mẹ trẻ hở ra một tý là măng miến mộc nhĩ nấm hương… Nhưng sắm Tết thời 4.0 nó cũng khác. Bây giờ mua bán online đang dần trở nên phổ biến, các công chức, viên chức cũng bung ra sản xuất tại gia rồi cung cấp cho người thân, bạn bè. Không phải như chuyện Giáo sư Văn Như Cương nuôi lợn trên chung cư ngày trước, mà ông nửa đủa nửa thật nói là “lợn nuôi giáo sư Văn Như Cương”, mà bây giờ là… thức ăn sạch. Các bà mẹ trẻ muốn kiếm thêm thu nhập để lo bỉm sữa cho con, người thì buôn bán mỹ phẩm, kẻ thì quần áo, nhưng nhiều người sử dụng ngay cái khéo tay của tài nội trợ để chế biến thức ăn sẵn rồi bán online. Nào là thịt bò khô, thịt trâu khô, rồi đến cả thịt lợn khô và thịt gà khô nữa. Rồi giò xào (mà ở quê tôi gọi là bó), lạp xường, nem bánh đa, nem chạo, bánh chưng… Nhất là các món mứt, ô mai, bánh kẹo… thì thôi rồi, mua bán tấp nập chả khác gì… chợ Tết.

Những người ở các vùng quê, nhất là miền núi cao thì thường mang những thứ đặc sản của quê mình về phố thị bán. Vì vậy, nhiều khi chỉ cần ngồi ở cơ quan cũng sắm gần đủ cái Tết. Mà không khí cũng vui đáo để. Nhưng cũng có điều, lắm khi văn phòng công sở lại biến thành cái… chợ; vì vậy có không ít cơ quan đã phải quy định cấm hẹn shipper đến giao hàng tại trụ sở.

Thì ra, miếng ăn đâu phải chỉ là miếng ăn. Nhiều khi tất bật cũng là một niềm hạnh phúc.

Thế rồi hôm giữa tháng Chạp, cơ quan phát tiền thưởng cuối năm, các em xúm lại: “Thầy! Thầy có tiền lẻ đổi cho em với ạ!”. Tôi tưởng các em đổi tiền lẻ đi lễ. Nhưng hóa ra không phải, mọi người đổi tiền 500 ngàn đồng ra tờ có mệnh giá nhỏ hơn để… trả nợ. Thì ra nhân tiện có chút tiền, bao nhiêu nợ nần trong năm cố nhớ ra hết để thanh toán cho sạch nợ. Nhưng có em lại bảo, bây giờ là thời nào rồi mà còn cứ phải trả nhau tiền mặt, xin cái tài khoản, vào Banking làm mấy động tác là bao nhiêu nợ nần cũng trả được hết, chỉ sợ trong tài khoản… empty thôi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tôi bỗng nhớ lại Tết quê xưa, đến ba mươi Tết là thế nào u cũng sai chúng tôi đi trả nợ hàng xóm, người thì bơ gạo, bát muối, người thì cái bóng đèn, cút dầu hỏa… Còn tiền nong thì tự tay u tôi đi trả. Mà cũng chả biết u tôi giật gấu vá vai, mang thứ gì trong nhà đi bán mà đến xẩm tối thì cũng thanh toán hết công nợ. Cũng có năm có món nợ lớn một chút, không thể trả kịp thì u tôi phải đến tận nhà nói khó với người ta để khất nợ, ra giêng thanh toán. Sợ nhất là sáng mồng một họ đến đòi nợ thì giông cả năm.

Đấy là chuyện cơm áo gạo tiền, lại còn đời sống tinh thần sao người ta cũng dồn cả vào Tết cho chết mệt chứ. Nào là cây quất, cành đào cho ra ngày Tết. Người Hà Nội có chút hoài cổ thì thế nào cũng phải có lọ hoa lay ơn hay hoa thược dược cắm kèm với vi ô lét. Có người cũng để đến ngày giáp Tết mới đi mua ti vi mới, thậm chí có nhà còn sắm luôn cả dàn karaoke để nghêu ngao mấy ngày Tết rồi… bỏ xó cả năm. Mà ngay như các thịt thà, bánh kẹo, khuân về thật nhiều rồi có khi hết tết cũng chả động đến… Ngày trước tủ lạnh còn là của hiếm thì thôi rồi là lo, chỉ cần trời ấm nồm cho vài ngày thì giò lụa, giò xào, bánh chưng không mang rán nhanh thì thật là bỏ thì thương, vương thì tội… cái bụng.

Ấy vậy mà người ta vẫn chạy đôn chạy đáo, mua sắm cho thật nhiều. Ngày trước khó khăn, đói kém thì muốn sắm cho ngày Tết thừa thãi để cả năm được dư dả. Bây giờ chả còn mấy ai quan niệm như thế nữa, nhưng có lẽ cái thói quen mua sắm nó đã ăn vào máu hay sao mà người người, nhà nhà cứ thi nhau mua bán, tất ba tất bật để rồi có lúc lại than thân trách phận “sinh ra cái Tết làm gì cho nó vất vả thế”.

Nhưng tôi lại chợt nghĩ, nếu không có cái sự tất bật ấy thì còn gì gọi là Tết. Và nếu không có Tết, thì cuộc sống cứ như cái phần mềm lập trình sẵn, hùng hục làm, hùng hục ăn, chả còn có giây phút nâng niu cánh hoa đào, ngước nhìn lên bầu trời, nghe hạt mưa xuân dặt dìu vương trên mái tóc để mà cảm nhận hết tinh khí của trời đất… Cũng chả còn có lúc ngồi hàn huyên, ôn lại chuyện xưa và ước vọng về một năm mới tốt đẹp hơn.

Vất vả là thế, tất bật là thế nhưng đến sáng mồng Một thì mọi người như hóa thân, không phải chỉ vì bộ quần áo mới tươm tất, mà là cái thư thái nó tự trong tâm thấm ra. Không phải là nói văn hoa hay cường điệu hóa, mà tự nhiên mọi lo toan vất vả, mọi bươn chải tất bật bỗng bỏ lại phía sau, chỉ còn năm mới với sắc xuân rộn ràng đang trải ra trước mặt.

Bây giờ tôi đều ăn Tết ở quê. Nhưng những năm còn ăn Tết ở Hà Nội, thường thì tôi lập trình thế này: Mồng Một đi lễ chùa, lễ phủ, chiều và mồng hai đi chúc Tết các dì, các cậu, anh chị em. Còn mồng ba là dành trọn vẹn cho riêng mình, thoải mái đi chơi, chụp ảnh… Đi khắp ngóc ngách phố phường, đi ra ngoại ô, ngoại thành… ngắm nghía, bấm chụp. Và tha hồ hít thở hương xuân dịu nhẹ, man mác đến nao lòng. Đến lúc ấy mới thấy cái tất bật trước Tết của mình được trả công xứng đáng làm sao, mới thấy cái giá trị của tự do tự tại nó ung dung, thư thái làm sao.

Và thấy đời mới thật Tết làm sao.

Bùi Văn Doanh

 

Theo dothi.reatimes.vn