Khác biệt từ thuở ấu thơ
Rất nhiều người vẫn quan niệm rằng tự kỷ là một căn bệnh, và bệnh thì sẽ có thuốc chữa khỏi, từ đó dẫn đến những tác hại không chỉ riêng cho trẻ mà còn cho cả gia đình, xã hội. Thế nhưng, tự kỷ không phải là bệnh mà là tình trạng rối loạn hành vi thần kinh phức tạp gồm những suy giảm về tương tác xã hội, ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp, đi kèm với đó là những hành vi cứng nhắc, mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại. Do được biểu hiện bằng nhiều triệu chứng nên tình trạng này hiện nay được gọi với cái tên “Rối loạn phổ tự kỷ” (Autism Spectrum Disorder – ASD).
Không giống những đứa trẻ bình thường khác, trẻ em rối loạn phổ tự kỷ (trẻ em tự kỷ) có khuynh hướng tránh tiếp xúc và ít biểu lộ sự chú ý đến giọng nói của người xung quanh. Ngay từ lúc sơ sinh, cha mẹ của các em có thể nhận biết được con mình liệu có tự kỷ hay không, thông qua các hoạt động sinh hoạt, chăm sóc con hằng ngày. Biểu hiện rõ nhất là việc các em không thay đổi tư thế hoặc không giơ tay khi sắp được bồng bế như bao đứa trẻ bình thường khác, và biểu hiện cảm xúc thường thờ ơ, vẻ mặt không có biểu cảm đối với mọi người, mọi vật xung quanh.
Thế nhưng, những dấu hiệu trên chưa phải là tất cả và sự biểu hiện của trẻ em tự kỷ cũng không dễ dàng đoán biết. Một trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ dạng nhẹ sẽ không có các triệu chứng chính xác giống như một đứa trẻ rối loạn phổ tự kỷ dạng nặng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng có thể khác nhau rất nhiều.
Những dấu hiệu đặc trưng của trẻ em tử kỷ bao gồm không hoặc rất ít khi giao tiếp bằng; không nhìn vào đối tượng hoặc các sự việc mà người khác chỉ tay vào hoặc đang tìm kiếm; không có những biểu cảm trên gương mặt một cách thường xuyên; không thể cảm nhận người khác đang cảm thấy thế nào bằng cách nhìn vào biểu hiện trên khuôn mặt của họ; không tỏ ra đồng cảm với người khác và không thể kết bạn hoặc không quan tâm đến việc kết bạn.
Những biểu hiện này không chỉ khiến các em trở nên khác biệt so với những đứa trẻ bình thường, mà chỉ là một trong rất nhiều phiền toái và khó khăn cho các em cũng như cho gia đình của các em trong việc nuôi dưỡng, dạy dỗ các em.
Cùng các em đón Tết
Hội chứng rối loạn phổ tự kỷ dù có gây khó khăn cho các em trong sinh hoạt sống hàng ngày, nhưng cũng không thể ngăn cản các em cùng gia đình có những trải nghiệm đặc biệt về ngày lễ Tết cổ truyền của dân tộc. Không chỉ riêng tại gia đình, mà ngay tại lớp học đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ, các cô giáo - những “người mẹ” thứ hai cũng cố gắng đem đến cho các em ngày Tết đúng nghĩa.
Lớp học của Mẹ, một trung tâm dạy trẻ tự kỷ có tiếng tại khu vực Hà Đông, thành phố Hà Nội là điển hình cho những cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dạy dỗ, điều trị hội chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em. Hàng năm, tại đây vẫn diễn ra những hoạt động cùng chuẩn bị đón Tết với các em. Những công việc chuẩn bị cho ngày Tết của các em, dưới sự dìu dắt, hướng dẫn của các cô tại đây, bao gồm: tự làm cây đào, cây mai từ giấy màu; tự làm câu đối Tết; làm thiệp chúc mừng năm mới; cùng cô ra chợ mua đồ, chuẩn bị lá, xếp lá làm bánh Chưng...
Là trẻ đặc biệt, để các em hiểu rõ về ngày Tết khác biệt với các ngày bình thường như thế nào cũng không phải việc dễ dàng. Để làm được điều đó, ngay từ những ngày đầu tiên của tháng Chạp, các cô đã phải lên kế hoạch chuẩn bị cho hoạt động Tết như thế nào. Việc mở nhạc Tết, trang trí xung quanh lớp học từ sớm, đồng thời hướng dẫn các con làm những món đồ như đèn lồng, tranh cắt, dán, tô màu theo chủ đề Tết cũng vô cùng quan trọng, giúp các con có niềm vui, hứng khởi hơn mỗi dịp Tết đến.
Các con được tìm hiểu về bánh Chưng, về hoa đào, về những lễ nghi ngày Tết thông qua các trò chơi, bài học trong lớp. Bên cạnh đó, các cô cũng không quên lồng ghép chủ đề Tết vào các hoạt động nhóm đầu giờ chiều và hoạt động hàng tháng,... giới thiệu cho các con về những trò chơi dân gian, về phong tục ngày Tết như chào hỏi, gửi lời chúc Tết đến ông bà, cha mẹ.
Bản thân chị Hường, hiệu trưởng của Lớp học của Mẹ cũng có con trai mắc hội chứng tự kỷ, và là động lực chính khiến chị theo học các trường, lớp tại nước ngoài, sau đó mở ra cơ sở này.
"Cha mẹ nào cũng muốn con cái mình được phát triển toàn diện và tốt nhất, vì lẽ đó không ai buông bỏ khi con mình chẳng may bị tự kỷ. Hiện nay số lượng trẻ tự kỷ tăng hơn nhiều so với trước đây, nhưng xã hội chưa thực sự có cái nhìn chính xác về các con, về hội chứng này. Các con biết yêu thương, biết giận hờn, cũng biết cả xấu hổ, buồn bã khi hiểu rằng mình thua kém, không được bằng bạn, bằng bè... đó là những cảm xúc vô cùng tinh tế. Đừng chỉ nhìn vào biểu hiện bên ngoài của các con mà bỏ quên nội tâm bên trong." Chị Hường chia sẻ.
Tự kỷ không phải là vô vọng
Thực tế, vẫn tồn tại quan niệm của không ít người rằng trẻ em tự kỷ thì không thể có một cuộc sống bình thường khi trưởng thành, không thể hòa nhập với xã hội và gần như là “vô vọng”. Thông thường, việc điều trị cho trẻ tự kỷ cũng rất tốn kém, đây là một trong những lý do khiến quá trình điều trị cho trẻ bị ngắt quãng, đem lại hiệu quả không mong muốn.
Cho tới nay có rất nhiều nghiên cứu cố gắng tìm ra nguyên nhân của tự kỷ như lý do sinh hóa, nguyên nhân do gen, do tác động môi trường hay do các tác nhân bên ngoài. Kết quả của các nghiên cứu trái ngược nhau do vậy chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của tự kỷ.
Tuy vậy, có một điều chắc chắn rằng tự kỷ không phải là bệnh, tự kỷ là tình trạng rối loạn hành vi thần kinh phức tạp biểu hiện bằng những triệu chứng như suy giảm về tương tác xã hội, ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp, đi kèm với đó là những hành vi cứng nhắc, mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại.
Do tự kỷ không phải là bệnh nên không thể chữa trị bằng thuốc. Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển và cần được chẩn đoán càng sớm càng tốt để bắt đầu quá trình can thiệp. Việc can thiệp sớm giúp trẻ cấu trúc lại bộ não và mở ra nhiều cơ hội cho trẻ phát triển sau này. Dẫu vậy, bố mẹ có con mắc tự kỷ cần kiên trì bởi không cứ can thiệp sớm, là tự kỷ sẽ biến mất hoàn toàn. Các biện pháp can thiệp sớm có ý nghĩa giúp trẻ giảm một số hành vi và giúp quá trình phát triển của trẻ thuận lợi hơn.
Nhà phát minh, vật lý, kỹ sư người Mỹ Nikola Tesla; cha đẻ của thuyết tương đối Einstein; nhà soạn nhạc thiên tài Mozart... và còn rất nhiều tên tuổi vĩ đại khác trong lịch sử phát triển nhân loại, ít ai biết rằng họ đều mang trong mình nhiều triệu chứng thần kinh không bình thường và có nhiều biểu hiện tự kỷ. Bản thân nhiều đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ lại rất giỏi về một môn học, một vấn đề nào đó hơn hẳn bạn bè đồng trang lứa.
Liệu chúng ta có nên đánh giá tự kỷ như là căn bệnh “vô phương cứu chữa”? Bằng cách can thiệp sớm và tình yêu thương của gia đình, các em hoàn toàn có thể có được một cuộc sống hạnh phúc, cùng những người thân của mình đón những cái Tết ấm no và trọn vẹn.