Thăm nhà cụ, tôi càng ngạc nhiên hơn khi phía sau cửa hàng bán đồ chơi nho nhỏ trên phố Hàng Cân lại là nơi sinh sống của hơn 30 con người trong 1 gia đình sống hòa thuận suốt hơn 60 năm qua.
Không có bí quyết gì vẫn khỏe
Lúc tôi đến, cụ đang nghỉ trên nhà, chỉ có hai con dâu đang ngồi dưới phòng khách chuyện trò với nhau sau bữa cơm trưa. Tôi hỏi không biết năm nay đã nhiều tuổi như thế, liệu cụ còn hoạt bát hay không? Không có mẹ, hai người con dâu lại nói đùa: “Không khéo cụ còn khỏe hơn cả con dâu ấy chứ”.
Đến nay, cụ Tề có 19 cháu, 13 chắt, 10 con dâu, rể. Trò chuyện với người viết, bà Quy (con dâu cả của cụ - PV) bảo: “Nhà mình chụp ảnh chẳng bao giờ chụp đủ, nhiều người quá nên không lọt hết vào ống kính máy ảnh được”. Nghe thế, bác con dâu thứ lại lên tiếng: “Đâu! Nhà mình vẫn có một bức chụp được hết cả nhà mà, chỉ là chụp lên mặt ai cũng bé tí”. Nói đến đây, hai bà lại nhìn nhau cười. Nếu không giới thiệu từ trước thì tôi đã nhầm lẫn đây là hai chị em gái vì cách họ nói chuyện và những cử chỉ thật thân thiện.
Đang trò chuyện thì cụ Tề từ trên nhà đi xuống, xúng xính khăn áo chuẩn bị về quê. Hai con dâu người thì đứng dậy nhường ghế, người lại rót nước mời mẹ dùng. Cụ gạt tay bảo: “Thôi để đấy tự mẹ làm, mẹ còn khỏe chán”. Cụ Tề lập gia đình năm 17 tuổi. Ba năm sau, cụ sinh con đầu lòng rồi những người con khác lần lượt ra đời. Con trai cả của cụ là ông Nguyễn Viết Thành năm nay 65 tuổi, trước đây từng là cán bộ của đơn vị C12. Con trai thứ là cán bộ của công ty tàu biển đã về hưu, còn con trai út hiện giờ đang là cán bộ địa chính của phường Hàng Đào. Hai cô con gái của cụ lập gia đình và chuyển đi ở nơi khác sinh sống. Mẹ cụ Tề trước đây cũng thọ đến 101 tuổi.
Dù năm nay đã 85 tuổi, giọng nói cụ vẫn sang sảng, vẫn đi lại thoăn thoắt, vẫn tích cực hoạt động đoàn thể. Tôi hỏi: “Cụ có bí quyết gì để sống khỏe mạnh?”. Cụ móm mém bảo: Chẳng có bí quyết gì đặc biệt, quan trọng nhất là cháu con trong nhà trên kính dưới nhường, anh em hòa thuận. Nói rồi, cụ lại kể về những năm tháng trong chiến tranh khổ cực của mình.
Thời ấy, cụ từng phải nhịn đói mấy ngày, nằm trốn trong bụi cây dứa dại và vượt sông Hồng bằng chiếc thuyền chòng chành để chạy giặc. Sau này, cụ lại tham gia thanh niên xung kích, từng cõng trên lưng 70kg hàng quân nhu tiếp tế cho bộ đội, từng giấu súng sau tủ bán thuốc cam và phải véo con khóc thét khi lính Tây đi tuần ghé qua cửa. Chiến tranh gian khổ, đói kém là thế, nhưng chính cụ cũng không hiểu tại sao đến giờ mình vẫn rất khỏe mạnh dù tuổi đã cao. Cụ cho biết, cụ ít khi ốm đau. Cụ bảo: “Mấy tháng trước tôi ngã, tưởng sụn mất cái đốt sống. Nhưng đi thầy lang bốc thuốc uống, vài tháng nay lại đi lại bình thường như không”. Cụ cười: “Sức khỏe của tôi, chắc tại cái tinh thần nó quyết định”.
Ăn chung “đổ lộn một nồi”
Từ ngoài đường, ngôi nhà số 24 Hàng Cân có diện tích khá hẹp. Nhưng hơn 60 năm qua, nó là mái ấm hạnh phúc, nơi chứng kiến cảnh đoàn viên, sum họp của 30 con người trong 4 thế hệ. “Dù hơi chật chội nhưng lại ấm cúng”, ông Thành (con trai cụ - PV) cho biết. Cũng trong suốt 60 năm, ngôi nhà này chưa sửa sang xây lại, chỉ có cơi nới thêm cho đủ chỗ sinh hoạt. Ông Quy bảo: “Gia đình tôi cũng chưa có ý định xây lại nhà vì sống lâu thành quen, lại thích sống trong không gian chung đầm ấm như thế này. Xây mới lên rồi lại mỗi nhà mỗi ô, mỗi kiểu tách biệt thì buồn lắm”.
Hơn 60 năm, từ một gia đình nhỏ với 5 người con, 3 trai, 2 gái, cái nếp nhà trên phố Hàng Cân đã trở thành nơi trú ngụ của 6 gia đình nhỏ nhưng sự đầm ấm thì vẫn không thay đổi. Bà Quy khoe, hồi cụ ông còn sống, hai ông bà lúc nào cũng gọi nhau anh - em, tương kính như tân, nói chuyện với nhau luôn nhẹ nhàng, đối xử với con cái cũng thế, chẳng quát mắng, đánh đòn con bao giờ. Các con, các cháu cũng noi gương ông bà, sống với nhau hòa thuận, ấm êm.
Nhớ lại những năm tháng cũ, cụ Tề tâm sự: “Tôi và ông nhà đều làm công nhân, tiền lương chẳng dư dả gì, nhà cửa cũng xập xệ, muốn sửa sang cho tươm tất cũng khó chứ nói gì đến chuyện mua nhà riêng. Ba cậu con trai lập gia đình, mỗi cậu được phân cho một phòng để ở, còn tất cả sinh hoạt khác thì vẫn chung với gia đình. Hai cậu cháu nội lấy vợ về, nhà vẫn giữ nếp ấy thôi”.
Con trai trưởng của cụ là ông Nguyễn Viết Thành, lấy vợ từ năm 1974, đến nay đã gần 50 năm nhưng vẫn quen sống với mẹ, ăn chung một mâm với gia đình em trai, em dâu, cháu chắt. Mấy chục năm, dù ăn chung nồi nhưng con cái trong nhà chẳng thấy ai khó chịu, va chạm gì với nhau. Tiền cả gia đình làm ra để chung trong tủ, ai ở nhà thì lấy đi chợ thổi cơm. Có việc gì cần dùng nhiều thì phải báo cho cụ và những người khác biết.
Cụ Tề khoe: “Cái bàn tròn bằng gỗ dùng làm chỗ tiếp khách và chỗ ăn cơm, những xoong nồi đã gắn bó với bữa cơm chung mấy chục năm vẫn được giữ nguyên vẹn”. Mãi đến năm 2005, một năm sau khi chồng mất, hai cháu nội lập gia đình, cụ họp con cháu lại và cho 3 nhà chia ra 3 bếp, 3 mâm, 3 nhà tắm. Cụ bảo: “Nhà càng ngày càng đông người, đông thế hệ. Mỗi người lại có một công việc riêng, cứ bữa cơm mà bắt các con các cháu chờ đông đủ như ngày xưa để cùng ăn thì lại hóa ra bắt tội chúng nó. Thế nên tôi cho chúng nó ăn riêng cho thoải mái”.
Tiếng là ăn riêng, ngủ riêng nhưng vì từ bé sống quen với lối sinh hoạt chung, nên dù đã “chia mâm” nhưng các gia đình vẫn thường xuyên ăn chung. Ông Thành bảo: “Từ bé quen rồi nên dù đã chia phòng, chia mâm nhưng lắm khi tôi bạ đâu ăn đấy. Đi làm về mệt không muốn lên nhà, tiện thì tôi lại ngủ nhờ giường em trai. Chiếc bàn tròn đặt ở gian phòng khách ngoài chỗ để ngồi ăn cũng là nơi cháu con tụ họp. Nhất là cuối tuần, nhà luôn chật kín cháu con quây quần bên cụ”.
Tết của gia đình “lắm cháu nhiều con”
Mỗi năm Tết đến, gia đình cụ Tề lại chật kín người như nhà có hội. Chật chội, ồn ào nhưng đó lại là niềm vui của cụ khi thấy con cháu quây quần sum họp bên nhau. Nhà chật nên Tết đến con cháu quây quần về, đi ra đi vào còn vướng, chứ chưa nói đến chuyện ngồi mâm. Thế mà lạ thay, căn phòng khách chỉ rộng chừng 20m2 trong ngôi nhà này đã đón mấy chục cái Tết với những bữa cơm lên đến hàng chục người, già có, trẻ có. Nhắc đến Tết, con trai, con dâu cụ, ai cũng cười. Họ cười vì trong tiềm thức của những người này cũng đang tràn về những kỉ niệm ngày xuân. Là những bữa cơm, anh em ngồi “khoanh chân rồi lại phải gác đầu gối lên chân người khác mà ngồi”. “Người vào sau hết chỗ phải đứng, ăn thìa có, ăn đũa có, ăn bốc cũng có luôn. Thế mà vui không thể tả nổi” - Đó là những kí ức về Tết của cụ Tề.
Thời cụ ông còn sống, mỗi dịp Tết nhà cụ lại gói rất nhiều bánh chưng. Nhiều đến nỗi nhà có mỗi cái thùng phuy cỡ bự đựng nước cũng phải đổ ra để làm nồi nấu bánh. Trong kí ức ông Thành, bà Quy thì: “Vui nhất là được ngồi suốt đêm trông nồi bánh chưng. Nồi to đun bằng củi nên anh em quây quần, chuyện trò rôm rả suốt đêm. Những năm sau này, gia đình gói ít đi nhưng cụ Tề bảo: “Có năm nhà này, riêng gói bánh chưng đã hết 30 cân gạo nếp”.
Mỗi bữa cơm Tết, cắt ra 3 cặp bánh chưng, chỉ mỗi người một xiên là đã hết vèo. Tuy vài năm trở lại đây, cụ không còn gói bánh chưng nữa nhưng nếp Tết trong gia đình này vẫn giữ nguyên từ xưa đến nay. Đầu năm mới, cụ lại diện bộ áo dài bằng nhung, con cháu lại dẫn cụ đi chùa chụp ảnh. Sau đó, con cháu lại đưa cụ về quê nhà ở làng Cót - Cầu Giấy để cụ thăm hỏi những người làng xóm, tham dự lễ mừng thọ các bạn già, thắp nén hương cho tổ tiên.