Nguồn gốc Tết Trung Thu
Mỗi ngày rằm tháng 8 âm lịch về, người Việt lại tưng bừng tổ chức Tết Trung Thu. Đây là dịp để nhà nhà sum vầy làm cỗ cúng gia tiên, bày cỗ trái cây để cúng trăng, tổ chức “Tết trông Trăng” cho trẻ em. Ngày này, trẻ em vô cùng háo hức, được người lớn tặng quà, múa hát, phá cỗ trông trăng...
Tới nay, chưa có văn bản nào xác minh rõ về nguồn gốc của Tết Trung Thu. Dân gian vẫn lưu truyền nhiều điển tích ý nghĩa liên quan đến ngày lễ đặc biệt này. Mọi người biết nhiều đến nguồn gốc Trung Thu từ sự tích vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng dạo chơi, sự tích Hằng Nga và Hậu Nghệ, sự tích về chú Cuội lên cung trăng ở Việt Nam.
1. Sự tích vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng dạo chơi
Vào đời vua Đường Minh Hoàng (713 - 741 Tây Lịch), trong lúc đi dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm rằm tháng tám âm lịch, trăng tròn và sáng trong. Trong lúc đang thưởng thức cảnh đẹp và tiết trời mát mẻ thì gặp đạo sĩ La Công Viễn. Người này được mọi người mệnh danh là Diệp Pháp Thiện, có phép tiên nên đã đưa nhà vua lên cung trăng chơi.
Tại đây cảnh trí lại càng đẹp hơn nên nhà vua hăng say thưởng thức cảnh tiên với các nàng tiên mặc xiêm y đủ màu hát múa mà quên trời đã gần sáng. Đạo sĩ La Công Viễn phải nhắc, nhà vua mới ra về nhưng trong lòng vẫn còn luyến tiếc.
Vì còn vương vấn cảnh trời, về hoàng cung, nhà vua đã cho chế ra Khúc Nghê Thường Vũ Y và ra lệnh cứ đến rằm tháng tám lại tổ chức rước đèn và bày biện ăn mừng.
2. Sự tích Hằng Nga và Hậu Nghệ
Hằng Nga là tiên nữ xinh đẹp sống ở Thiên Đình, phục vụ cho Tây Vương Mẫu. Còn Hậu Nghệ là chàng trai bất tử. Họ là vợ chồng. Sắc đẹp của Hằng Nga và sự bất tử của Hậu Nghệ đã làm cho một số vị thần tiên khác đố kị, nên tìm cách vu oan tội lỗi phạm thiên đình cho Hậu Nghệ trước mặt Vua Nghiêu.
Từ đó, Hằng Nga và Hậu Nghệ bị đuổi khỏi hoàng cung và phải sống cuộc đời thường dân. Từ đó, cuộc sống làm lụng, săn bắn đã làm cho chàng Hậu Nghệ trở thành một xạ thủ có tiếng trong dân gian.
Bấy giờ không chỉ có một mặt trời chiếu sáng mà có tận 10 mặt trời cùng lúc tồn tại, cứ một mặt trời thì chiếu một ngày, và cứ thay phiên như vậy trong vòng một ngày.
Tuy nhiên, tai họa ập đến, một ngày kia cả 10 mặt trời cùng xuất hiện trong một ngày và đã thiêu cháy hầu hết sinh linh trên mặt đất.
Trước hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” trên, Vua Nghiêu đã sai Hậu Nghệ bắn rơi 9 mặt trời chỉ để một cái lại mà thôi. Chàng Hậu Nghệ đã hoàn thành sứ mạng xuất sắc.
Đáp lại công lao của Hậu Nghệ, vua Nghiêu đã cho chàng một viên thuốc trường sinh bất lão và dặn rằng “Tạm thời không được uống, chỉ được phép uống sau 1 năm khi đã cầu nguyện và ăn chay”.
Hậu Nghệ làm theo, chàng đem viên thuốc về nhà và giấu nó ở cái rui trên nóc nhà và tự khổ luyện tinh thần. Được khoảng nửa năm, Vua Nghiêu mời chàng đến kinh thành “chơi” .
Hằng Nga ở nhà thì bỗng lưu ý đến một vật sáng lóng lánh trên mái nhà và phát hiện ra viên linh dược, sau đó, biết là linh dược, nàng đã uống ngay viên thuốc cũng đúng lúc Hậu Nghệ vừa về đến và ngay tức khắc chàng đã biết chuyện gì đã xảy ra. Nhưng tất cả đã quá muộn, Hằng Nga đã bay về trời và không thể quay trở lại.
Hậu Nghệ cầm theo chiếc nỏ trong tay, đuổi theo Hằng Nga. Nhưng đi được đến nửa đường thì thần Gió đã cản chàng lại mặc cho nàng tiên nữ xinh đẹp kia bay đến mặt trăng.
Khi vừa đến nơi Hằng Nga bỗng không thở được và viên thuốc bỗng văng ra. Kể từ đó, Hằng Nga mãi ở trên mặt trăng không thể nào trở lại. Truyền thuyết còn kể lại rằng nàng đã kêu gọi những con thỏ ở mặt trăng tạo ra viên thuốc giống như vậy để nàng còn quay về với người chồng ngày đêm mong nhớ, nhưng tất cả đều vô dụng.
Trong khi đó, ở dương thế, Hậu Nghệ ngày càng nhớ nhung, hối hận và tuyệt vọng. Chàng xây một lâu đài trong mặt trời và đặt tên là “Dương”, trong khi đó, Hằng Nga cũng xây một lâu đài tương tự đặt tên là “Âm”.
Cứ mỗi năm một lần, vào ngày rằm tháng 8, hai người được đoàn viên trong niềm hân hoan hạnh phúc. Chính vì thế mà mặt trăng luôn thật tròn và thật sáng vào ngày này như để nói đến niềm vui, sự hân hoan khi được gặp mặt của con người.
3. Sự tích chú Cuội lên cung trăng Ở Việt Nam
Sự tích chú Cuội lên cung trăng Ở Việt Nam, truyền thuyết của chị Hằng lại gắn với chú Cuội. Chuyện kể rằng, ngày xưa có nàng tiên nữ là Hằng Nga, xinh đẹp và rất yêu trẻ con. Nàng mong muốn được xuống trần gian chơi cùng trẻ em nhưng tiên giới không cho phép.
Một hôm Ngọc Hoàng tổ chức cuộc thi "Làm bánh ngày rằm", ai làm được bánh ngon, đẹp và lạ mắt sẽ được trọng thưởng. Hằng Nga đã xuống trần gian thăm hỏi và gặp được Cuội, anh chàng chuyên gia nói dối.
Cuội bày cho Hằng Nga cách là cứ bỏ tất cả nguyên liệu hòa lại rồi đem nướng lên. Kì lạ những chiếc bánh ra lò thơm phức, các em nhỏ ăn đều khen rất ngon. Thời gian này, quân Minh đang nổi dậy chống lại Hằng Nga trở về cung trăng và đem những chiếc bánh để dự thi.
Nhưng vì Cuội lưu luyến không muốn rời xa Hằng Nga nên đã nắm lấy tay nàng và sức mạnh kì lạ đã kéo cả chàng cùng cây đa đầu làng lên tận cung trăng. Ngồi trên cây đa, Cuội có thể thấy bọn trẻ đang chơi đùa, đôi lúc nhớ nhà, nhớ em, Cuội chỉ biết ngồi khóc và buồn bã.
Những chiếc bánh của Hằng Nga đã giành giải nhất và lấy tên là "bánh Trung thu", nàng đã ước mỗi năm cứ rằm tháng tám, nàng cùng chú Cuội được xuống trần gian chơi cùng các em nhỏ. Từ đó, Ngọc Hoàng đặt tên cho rằm tháng tám là "Tết Trung thu", dịp tết vui chơi của các em nhỏ.
Hàng năm, cứ đến rằm tháng tám, người ta tổ chức rước đèn, múa rồng, múa lân dưới ánh trắng để làm kỷ niệm chú Cuội, chị Hằng, đàn thỏ xuống mặt đất để liên hoan vui chơi.
4. Câu chuyện về Thỏ Ngọc giã thuốc trên cung trăng
Có rất nhiều phiên bản khác nhau về chú Thỏ Ngọc song câu chuyện về Thỏ Ngọc sống trên cung trăng lại bắt nguồn từ Phật Giáo Ấn Độ. Chuyện kể rằng, một vị thày tu Bà La Môn yêu cầu 4 con vật là con khỉ, con chó, con rái cá và con thỏ đi tìm thức ăn cho mình. Tất cả các con vật đều tìm được thức ăn ngoại trừ con thỏ.
Để cung cấp thức ăn cho vị thầy tu, thỏ lao mình vào đống lửa nhưng đống lửa bỗng biến thành băng tuyết và thỏ được cứu sống. Vị thầy tu là thần Sakra (thần Ấn Độ) muốn thử lòng các con vật. Sau đó, hình ảnh con thỏ được in lên mặt trăng để tôn vinh tấm lòng của nó.
Trong truyền thuyết Trung Quốc, Thỏ Ngọc giã thuốc trường sinh trên cung trăng làm bạn với Hằng Nga và canh giữ Mặt trăng. Những câu chuyện về thỏ trên Mặt trăng cũng tồn tại trong văn hóa của người Nhật bản, Hàn Quốc và thậm chí cả người Aztec cổ đại.
2. Ý nghĩ Tết Trung Thu
Tết Trung Thu của người Việt Nam có nhiều điểm khác biệt so với người Trung Quốc. Theo phong tục của người Việt Nam, bố mẹ bày cỗ trái cây cho các con để mừng Trung thu.
Đây là dịp để con cái hiểu được sự chăm sóc của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể nhất. Do đó, tình yêu gia đình ngày càng trở nên khăng khít hơn bao giờ hết. Tục hát trống quân theo tương truyền có từ thời vua Lạc Long Quân.
Sau này đệm hát trống quân được vua Quang Trung áp dụng khi ngài đem quân ra Bắc, đại phá quân Thanh.
Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, đây còn là dịp để người ta ngắm trăng và tiên đoán mùa màng, vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó trúng mùa tằm tơ. Trăng mà có màu xanh lục sẽ có thiên tai. Nếu trăng có màu cam thì báo hiệu đất nước bước vào năm thịnh trị.
Tết Trung thu là một trong những phong tục rất có ý nghĩa, là ngày tết của tình thân, là mùa của báo hiếu, biết ơn, là ngày của đoàn tụ và của tình thương yêu với gia đình và người thân.