Thực tế những ngày qua một lần nữa chứng minh vai trò của báo chí truyền thông trong thời đại bùng nổ thông tin. Vai trò đó lại càng có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong thời điểm đầy thách thức hiện nay.
Chung tay cùng toàn xã hội trong cuộc chiến đấu chống dịch, những người làm công tác báo chí, truyền thông đã tập trung thông tin tạo sự đồng thuận, tin tưởng và tự giác tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của Nhân dân.
Mặt khác, báo chí cũng kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến, làm lan tỏa mạnh mẽ các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ và các giá trị tốt đẹp của dân tộc, tránh gây tâm lý hoang mang trong Nhân dân.
Có thể nói một trong những yếu tố quan trọng làm nên thắng lợi ban đầu trong cuộc chiến chống dịch là việc thông tin minh bạch, kịp thời về diễn biến của dịch bệnh, những quyết định, biện pháp phòng dịch để người dân nghiêm túc thực hiện.
Những ngày gần đây, đề cập tới công tác phòng chống dịch bệnh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều kêu gọi tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của mỗi người dân, cộng đồng, coi đó là nhân tố quan trọng của thắng lợi.
Trong thông điệp gửi đồng bào chiến sĩ cả nước ngày 30/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh.
Có thể nói, báo chí, truyền thông đã có đóng góp tích cực trong việc thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Tuy nhiên, cũng còn một thực tế là trong lúc sự nhất trí, đồng lòng được coi như yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm sự thành công của công tác phòng chống dịch bệnh thì đây đó, đặc biệt là trên mạng xã hội lại có những phát ngôn vô tình đã làm phân tán lòng người. Nhiều nhất, là dễ thấy nhất là những status phê phán người này, việc nọ, kể cả đó là những người, những việc ở tuyến đầu chống dịch.
Thậm chí có những ý kiến mang tính chất xúc phạm, xâm phạm đời tư của cá nhân. Gần đây nhất là những thông tin vội vã, thiếu kiểm chứng về tình hình ở BV Bạch Mai, nơi mà toàn thể cán bộ, nhân viên y tế đang gồng mình chống dịch.
Đáng lo ngại hơn, những phát ngôn, thông tin thiếu cân nhắc đó lại được nhân lên bởi hàng loạt những comment theo kiểu hội chứng đám đông, trong đó không loại trừ những kẻ té nước theo mưa với dụng ý xấu. Rõ ràng, vì mục đích nào, nhân danh điều gì… thì những phát ngôn như vậy cũng đã gây sự phân tâm, ảnh hưởng tới hoạt động chống dịch là không thể chấp nhận.
Ở một góc độ khác, cũng nên nhớ là để có những đánh giá, nhận định chính xác, cần có thông tin đầy đủ, đa chiều, toàn diện. Trong cuộc chiến chống dịch hiện nay, chỉ có những người đứng mũi chịu sào, được cung cấp thông tin đầy đủ mới có thể đưa ra những phát ngôn chính xác. Cũng vì lý do đó mà mỗi người càng phải thận trọng khi phát ngôn, đặc biệt là trên mạng xã hội.
Trong chỉ thị 16 ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid -19, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền ủng hộ chủ trương bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, chấn chỉnh một số báo rút tít gây hoang mang, hiểu nhầm.
Người chịu trách nhiệm phòng, chống dịch không phát ngôn gây hoảng loạn trong Nhân dân”. Đó cũng là lời nhắc nhở với mỗi người dân, đặc biệt là những người có tầm ảnh hưởng khi tham gia mạng xã hội.
Với ý nghĩa đó, thận trọng khi phát ngôn, nhất là trên mạng xã hội là điều mỗi người cần nghiêm túc thực hiện, một việc làm cần thiết để chung tay góp phần chiến thắng dịch bệnh.