Ông Hồ Bá Lam, Giám đốc công ty Sông Lam, xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa - chủ xưởng may này cho biết: “Xưởng may được đặt trên phần đất nông nghiệp của gia đình. Tổng diện tích là hơn 1.000 m2, trong đó diện tích nhà xưởng là 600 m2. Về thủ tục cấp phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hệ thống phòng cháy, chữa cháy… hiện nay doanh nghiệp đã gửi hồ sơ lên cơ quan chức năng có thẩm quyền…”.

Ghi nhận thực tế tại xưởng may này cho thấy nhà xưởng được xây dựng kiểu lắp ghép 2 tầng, trên nền diện tích khoảng 600 m2. Qua quan sát từ bên ngoài, nhà xưởng với đầy đủ hệ thống gồm nhà xưởng chính, nhà để xe cho công nhân, nhà bảo vệ. Hệ thống nhà máy được bao bọc bởi hệ thống tường rào kiên cố có đường điện cao áp dẫn thẳng vào khu sản xuất. Ngoài phạm vi nhà máy, bên ngoài cổng có 3 thùng container để ngổn ngang chiếm dụng hành lang đê kênh Than…

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Xuân, chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia khẳng định, khu nhà xưởng may của gia đình ông Hồ Bá Lam được xây dựng từ tháng 3/2019 trên đất vườn cùng thửa với đất ở. Hiện tại, nhà xưởng này chưa được các cơ quan chức năng cấp phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hay các thủ tục đầu tư, phòng cháy, chữa cháy.

“Khu đất mà công ty Sông Lam xây dựng xưởng may là đất ở và đất vườn chưa được chuyển đổi thành đất kinh doanh thương mại. Vào tháng 3/2019, UBND xã đã lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vục đất đai, xây dựng và yêu cầu Công ty Sông Lam phải tháo dỡ, khôi phục tình trạng ban đầu.

Sau đó, chúng tôi đã báo cáo xuống huyện để tìm hướng xử lý. Đến thời điểm hiện tại, các thủ tục, giấy tờ về xưởng may này đã được công ty cho nộp cho cơ quan chức năng. Ngoài ra, chúng tôi còn liên tục nhắc nhở Công ty Sông Lam phải nhanh chóng hoàn thành các thủ tục hồ sơ về xưởng may này. Đến thời điểm hiện tại, xưởng may này đã có hơn 200 công nhân đang làm việc tại đây”, ông Xuân cho biết thêm.

Xưởng may không phép của công ty Sông Lam có hàng trăm công nhân đang làm việc.

Theo quyết định xử phạt mà UBND huyện Tĩnh Gia cung cấp cho thấy, ngày 1/3/2019, UBND xã Thanh Sơn đã phát hiện hộ gia đình ông Hồ Bá Lam lấn chiếm diện tích đất mặt nước do UBND xã quản lý. UBND xã đã lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4.000.000 đồng.

Ngày 26/3/2019 theo biên bản kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của hộ gia đình ông Hồ Bá Lam cho thấy, hộ ông Lam đã tự ý xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và đất vườn khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Cụ thể, ông Lam đã xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp (đất vườn và đất ở) với diện tích 550,9 m2 và đất nông nghiệp liền kề 235,8 m2. Quy mô xây dựng nhà khung bằng thép 2 tầng, với tổng diện tích công trình 1.600 m2 (mỗi tầng 800 m2 ).

Ngày 27/3/2019, UBND xã Thanh Sơn ra quyết định số 29 xử phạt hành chính hộ ông Hồ Bá Lam mức phạt 1,5 triệu đồng và yêu cầu dừng xây dựng, khôi phục hiện trạng trong thời gian 10 ngày. Quyết định là vậy, thế nhưng xưởng may này vẫn vô tư hoàn thiện và đi vào hoạt động cho đến nay.

Ông Lê Văn G, xã Thanh Sơn bức xúc: “Rõ ràng nhà máy may này phải được chính quyền, cấp ngành chức năng “ưu ái” thì mới tồn tại và hoạt động rầm rộ như vậy. Họ còn treo hệ thống cột điện cao áp dẫn vào nhà máy hoạt động. 

Nói chính quyền, cấp ngành chức năng không biết thì thật vô lý. Ngoài ra, ngày trước khi đê kênh Than được triển khai, dự án có nắn dòng và dư ra phần đất mà nhà máy may hiện tại đang "chiếm đóng". Phần đất trên ngày trước là ao rộng, không biết doanh nghiệp họ có thuê, thầu với xã như thế nào không, nhưng thấy tự ý đổ đất san lấp rồi mở nhà máy. Không rõ đơn vị đã chuyển đổi mục đích sử dụng chưa, nhưng rõ ràng đây là đất thuộc hành lang đê kênh Than”.

Rõ ràng không thể có chuyện một nhà xưởng may “khủng” hoạt động rầm rộ mà chính quyền, cấp ngành chức năng huyện không có phương án xử lý. Dư luận địa phương cho rằng, từ khi đơn vị tiến hành san lấp, chính quyền cũng có về kiểm tra nhưng xử phạt mức “ưu ái”. Tới khi đi vào hoạt động, nhân dân phản ánh thì tiếp tục có đoàn của xã, huyện về kiểm tra, xử phạt cho có lệ, đâu lại vào đó, nhà máy này vẫn hoạt động một cách vô tư suốt một thời gian dài.

Ông Trần Văn Xuân, chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho rằng: “Cả xã Thanh Sơn chỉ có một doanh nghiệp là ông Hồ Bá Lam. Từ khi xưởng may của ông Lam hoạt động đến nay, nó đã thu hút, tạo việc làm cho hàng trăm công nhân địa phương đó là việc làm đáng được ghi nhận. Còn việc ông Lam xây dựng xưởng may không phép thì xã đã lập biên bản xử phạt và yêu cầu ông Lam sớm hoàn thiện hồ sơ thủ tục cấp phép".

Theo Viết Huy/Đô Thị Mới