Trực chốt

Sau khi công bố diện tích 6,56 ha do UBND xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) quản lý là vùng khai thác chung sau ngày 30/01/2020, hàng trăm ngư dân thuộc thành phố Sầm Sơn đã tràn sang khu vực này để khai thác ngao tự nhiên.

Sự việc đã gây lo lắng cho ngư dân tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, bởi họ cho rằng, nếu không phân định rõ mốc giới khai thác ngao tự nhiên và vị trí nuôi ngao của người dân Hoằng Phụ (đang được tận thu vì hết hợp đồng thầu khoán-PV), sẽ xảy ra tình trạng ngư dân từ nơi khác đến khai thác chồng lấn vào vị trí ngao nuôi thương phẩm của ngư dân Hoằng Phụ.

 

Lực lượng chức năng có mặt cả ngày lẫn đêm tại bãi ngao.

Theo nghi nhận của phóng viên, khoảng 1 tuần trở lại đây, dưới bãi ngao thuộc địa phận xã Hoằng Phụ, một số ngư dân xã Hoằng Phụ đang khẩn trương thu hoạch ngao non với tâm thế, vớt vát được ít nào hay ít đó. Trên bờ, lực lượng chức năng huyện Hoằng Hóa đang túc trực đảm bảo an ninh trật tự tại vùng khai thác chung.

Theo cơ quan có thẩm quyền, sau khi diện tích ngư dân thầu khoán bãi nuôi ngao tại xã Hoằng Phụ hết hợp đồng và trở thành khu vực khai thác chung thì trung bình một ngày, có tới hàng chục, thâm chí hàng trăm ngư dân Sầm Sơn di chuyển sang khu vực này để khai thác ngao tự nhiên. Theo thống kê của cơ quan có thẩm quyền, cá biệt, ngày 6/2, có tới hơn 400 ngư dân Sầm Sơn tham gia khai thác ngao tự nhiên.

Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình khai thác, gần 1 tuần nay, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ thuộc huyện Hoằng Hóa liên tục thay phiên nhau trực chốt ở bãi ngao xã Hoằng Phụ.

Theo phương án quản lý bãi ngao, tại khu vực này, lực lượng chức năng đã được trang bị bè, ca nô, mô tô nước, lao, áo phao, xe cứu thương, xe cảnh sát giao thông… sẵn sàng giải quyết điểm nóng về an ninh trật tự nếu xảy ra xung đột giữa các ngư dân trong quá trình khai thác.

Ngư dân hối hả khai thác ngao.

Ông Lê Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa cho hay, đến thời điểm hiện tại, chưa xảy ra va chạm giữa ngư dân khai thác ngao tự nhiên và ngư dân khai thác ngao tại bãi bồi xã Hoằng Phụ (tại diện tích đã hết thời gian thầu khoán). Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn phải túc trực cả ngày lẫn đêm để đảm bảo an ninh trật tự ở vùng khai thác chung.

Trước đó, theo UBND huyện Hoằng Hóa, từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra va chạm giữa người nuôi ngao và người khai thác ngao tự nhiên, dẫn đến tình hình mất an ninh trật tự, khiếu kiện đông người, vượt cấp, có nguy cơ trở thành điểm nóng nếu không có biện pháp giải quyết kịp thời, dứt điểm.

“Nếu không cho thêm thời gian, chúng tôi chỉ còn nước phá sản”

Được biết, năm 2007, UBND xã Hoằng Phụ đã ký hợp đồng cho một số hộ dân trong xã thầu một phần diện tích đất bãi bồi ven biển để nuôi ngao, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Trong suốt một thời gian dài, việc phát triển nghề nuôi ngao đã trở thành thu nhập chính của các hộ dân và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động có thu nhập ổn định.

Năm 2014, UBND xã đã ký hợp đồng thầu khoán với 10 hộ dân với thời hạn giao khoán 5 năm và kết thúc hợp đồng vào ngày 30/7/2019. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, ngao bị chết do dịch bệnh, thiên tai nên các hộ dân có đơn đề nghị gia hạn thời gian nuôi trồng không thu tiền.

Đến nay, đã hết hợp đồng thầu khoán giữa các hộ và UBND xã Hoằng Phụ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc từ ngày 31/1/2021 trở đi, diện tích 6,5ha thầu khoán của các hộ dân với UBND xã Hoằng Phụ sẽ hết hiêu lực và trở thành vùng khai thác chung.

Theo đó, cơ quan chức năng đã vận động người dân giải tỏa số cọc trên phần diện tích khai thác chung; vận động người dân không được cấp thẻ không khai thác vào khu vực 6,5ha khi chưa có thông báo của chính quyền địa phương…

Một số ngư dân xã Hoằng Phụ đang khẩn trương thu hoạch ngao với tâm thế vớt vát được ít nào hay ít đó.

Tuy nhiên, theo nhiều ngư dân tại xã Hoằng Phụ, quyết định giải tỏa bãi ngao vì hết hợp đồng thầu khoán ở thời điểm hiện tại sẽ khiến người dân gặp khó vì ngao chưa đến tuổi thu hoạch và số lượng ngao tồn dưới biển còn khá nhiều.

“Ngao giống chúng tôi mua về nuôi có giá 32 nghìn đồng/kg, nếu bây giờ thu hoạch thì chỉ bán được 8 nghìn đồng/kg chưa trừ chi phí khác và đầu ra cho ngao hiện tại cũng rất khó khăn. Chúng tôi đã kiến nghị kéo dài thời gian nuôi ngao tới tháng 5 để ngao lớn thêm và thu hoạch nhưng chưa được các cấp có thẩm quyền đồng ý.

Hiện tại gia đình tôi vay ngân hàng, đầu tư vào bãi ngao gần 4 tỷ đồng, mỗi tháng trả lãi gần 40 triệu đồng. Nếu bây giờ thu hoạch ngao chưa đủ tuổi thì ngư dân sẽ lỗ nặng và có nguy cơ phá sản vì khoản vay ngân hàng đầu tư trước đó. Nếu đúng vụ thì tầm tháng 5 hoặc tháng 6 tới mới có thể thu hoạch và bán ra thị trường. ”, chị L.H. ngư dân Hoằng Phụ cho hay.

Về đề xuất trên của ngư dân xã Hoằng Phụ về việc gia hạn thời gian nuôi ngao tới tháng 5/2021, ông Lê Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng, kiến nghị trên sẽ không được chấp nhận vì khu vực này đã trở thành khu khai thác chung.

Nếu theo mùa vụ thì khoảng tháng 5 mới có thể khai thác ngao thương phẩm.

Trong khi đó, một số ngư dân khác đề đạt nguyện vọng kéo dài thời gian khai thác ngao tới cuối tháng 2, bởi số lượng ngao tồn dưới biển ước tính lên tới cả tấn.

“Tại thời điểm 30/07/2020, các hộ nuôi ngao chúng tôi mới xuống giống được 1 tháng, ngao còn nhỏ nên chúng tôi xin gia hạn thêm thời gian thời gian nuôi ngao và khai thác ngao.

Tuy nhiên, vì thời điểm cuối năm, cận Tết nên các hộ dân chúng tôi không có đủ nhân lực để khai thác hết số lượng ngao nuôi trong bãi trước Tết. Do đó, để có thể khai thác hết được ngao còn tồn dưới biển, các hộ dân chúng tôi kính đề nghị UBND huyện Hoằng Hóa tạo điều kiện kéo dài thêm thời gian khai thác đến ngày 30/02/2021. Sau 30/02/2021, chúng tôi sẽ bàn giao mặt bằng, giải phóng khu vực bãi”, đơn đề nghị nêu rõ.

 

Theo Xuân Quang/Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/hoang-hoa-huy-dong-hang-tram-can-bo-chien-sy-truc-chot-bai-ngao-20201231000000801.html