Lối vào đền thờ Lê Trung Giang (ảnh Internet)

Lối vào đền thờ Lê Trung Giang (ảnh Internet)

Đền thờ Lê Trung Giang tọa lạc trên diện tích gần 10.000m² tại xã Hoằng Ngọc và có tên gọi đầy đủ là khu quần thể văn hóa và di tích lịch sử Tướng công Đại vương Lê Trung Giang. Đây là khu văn hóa và di tích lịch sử được tổ chức văn hóa khoa học và giáo dục Việt Nam bảo trợ.

Lê Trung Giang là một vị tướng quân thời Lê Sơ, ông đã làm qua bốn triều đại, cống hiến 66 năm cho triều đình nhà Lê. Các vua Lê vô cùng ân sủng ông, ban cho Lê Trung Giang 13 đạo sắc, cùng chữ “Khải văn võ đường” và sắc phong “Khai quốc công thần Thành Hoàng Đô Thống Linh ứng hùng khẩu tối linh Thượng đẳng thần”. Chính vì vậy, người dân Hoằng Hóa đã lập đền thờ phụng để ghi nhớ công ơn đánh giặc, giữ yên bờ cõi và cống hiến của tướng quân Lê Trung Giang đối với đất nước.

Đền thờ Lê Trung Giang được quảng bá rất nhiều trên các poster, các tour du lịch và được mong đợi là thu hút ngày càng nhiều du khách đến với mảnh đất Thanh Hóa.

Tuy nhiên, thực tế trái với mong đợi, khu quần thể này dường như không được chăm sóc tu bổ thường xuyên khiến du khách tới đây vô cùng thất vọng. Chị Ngọc Lan một du khách đến từ Hà Nội đi cùng bạn bè đến biển Hải Tiến và kết hợp tham quan các di tích có chia sẻ: “Tôi đến đây tham quan vì bản thân là người cũng khá có hứng thú với lịch sử. Nhưng mà đến rồi thì thấy thất vọng vì nơi này đìu hiu, vắng vẻ và không có gì thu hút mình để tìm tòi, khám phá sâu hơn”.


Công trình ngổn ngang thi công (cải tạo) dở dang.


Biển hướng dẫn nằm xô lệch, rách nát.

 


Lợp mái tôn để che mưa chắn nắng tuy nhiên không hòa hợp với không gian ở đền. Khiến ngôi đền trở nên hỗn tạp, mất đi vẻ trang nghiêm thanh tịnh.

 


Gạch lát tại đây cũng không đồng đều.

Sắp xếp các quần thể bất hợp lý khiến khách du lịch di chuyển gặp khó khăn.

Sắp xếp các quần thể bất hợp lý khiến khách du lịch di chuyển gặp khó khăn.


Theo quy định, UBND các cấp có di tích được xếp hạng, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, ông Nguyễn Xuân Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trước tình hình xuống cấp nghiêm trọng của nhiều di tích trên địa bàn tỉnh hiện nay, Sở cùng với các địa phương đang tăng cường rà soát toàn bộ các di tích, trong đó ưu tiên hàng đầu là các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa cấp quốc gia. Sau khi có báo cáo thực tế, các huyện, thị xã, thành phố kiến nghị, đề xuất để trình tỉnh, Trung ương phê duyệt kinh phí, cũng như có các phương án trùng tu, tôn tạo. Tháng 4/2016, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1352 về việc phê duyệt 48 di tích được hỗ trợ tu bổ, chống xuống cấp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2016, trong đó có 15 di tích cấp quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh, 4 di tích cách mạng.

Tuy nhiên với tình trạng xuống cấp hàng loạt hoặc sử dụng không gian bất hợp lý như hiện nay, tỉnh Thanh Hóa nếu muốn thu hút khách du lịch đến các di tích lịch sử - văn hóa thì cần có các biện pháp thiết thực hơn để phát huy giá trị di tích trên địa bàn.

Từ Thanh Hóa, ta có thể nhận thấy một vấn đề lớn tồn tại trong ngành du lịch Việt Nam là tình trạng xuống cấp, bỏ hoang và lãng phí diện tích của nhiều khu di tích lịch sử - văn hóa giá trị. Điều này khiến nhiều khách du lịch đến và không quay trở lại do dịch vụ yếu kém, chưa biết cách thu hút và kìm chân của khách du lịch.

Diệu Anh

Theo baoxaydung.com.vn