Theo thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp (Ban Nghi Sơn) năm 2018, Ban thống kê có hơn 300 trường hợp xây dựng trái phép trên địa bàn huyện Tĩnh Gia. Trong quý I/2019 đã có 96 trường hợp xây dựng trái quy định diễn ra trên địa bàn. Nhiều trường hợp cán bộ Ban phát hiện ra thông báo cho chính quyền địa phương nhưng chậm được ngăn chặn, xử lý dứt điểm. Điều này dẫn tới nguy cơ khi các dự án lớn triển khai sẽ xảy ra tranh chấp, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, gây khó cho các nhà đầu tư.

Thanh Hóa: Tràn lan các công trình xây dựng trái quy định

Văn bản của Ban Nghi Sơn đề nghị xử lý công trình vi phạm

Khi có thông tin dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam chạy qua các xã Tân Trường, Phú Sơn, Tùng Lâm, Trường Lâm và Phú Lâm thì ngay trong đêm hàng chục công trình trái phép được mọc lên.

Tại 3 thôn thuộc xã Phú Lâm có dự án đều có nhà xây dựng, cơi nới trái quy định. Để tránh sự chú ý cũng như ngăn chặn của chính quyền địa phương, hầu hết các gia đình đều thuê thợ làm gấp rút trong đêm. Nhiều mảnh đất chỉ sau một đêm đã có một công trình mọc lên với đầy đủ mái tôn và tường bao xung quanh.

Lãnh đạo xã Phú Lâm xác nhận, đã có 20 hộ xây dựng trái phép mới các công trình trên đất ở và đất nông nghiệp. Chính quyền tổ chức tuyên truyền rất nhiều về việc bà con không được tự ý xây dựng các công trình như nhà ở, quán ăn, tường bao, công trình phụ… trên địa bàn toàn xã, đặc biệt trong vùng có quy hoạch giải phóng mặt bằng, các dự án đã được Nhà nước phê duyệt nhưng nhiều hộ dân vẫn cố tình không chấp hành.

Thanh Hóa: Tràn lan các công trình xây dựng trái quy định

Công trình xây dựng trái phép tại xã Phú Sơn

Tại huyện Tĩnh Gia, nhiều công trình được xây dựng ngay trong lòng sông và hành lang an toàn công trình đê điều. Ban Nghi Sơn đã có văn bản thông báo về 2 hộ dân tại xã Xuân Lâm đang xây dựng không phép ngay trong hành lang an toàn công trình đê hữu sông Bạng. Tiếp đó Ban Nghi Sơn kiểm tra thực địa và phát hiện 4 hộ dân tại xã Tùng Lâm, 13 hộ dân tại xã Trường Lâm đang san lấp, xây dựng vi phạm quy hoạch đã được phê duyệt. Công trình biệt thự nguy nga của Công ty xi măng Công Thanh xây dựng không phép vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Việc xây dựng trái quy định của người dân còn có sự “giúp sức” của lãnh đạo huyện Tĩnh Gia. Mặc dù khu đất nằm trong hành lang an toàn thoát lũ sông Yên và sông Kênh Than, được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch Khu đô thị Hải Ninh, xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia là khu vực trồng cây xanh nhưng lãnh đạo huyện Tĩnh Gia vẫn cấp giấy phép xây dựng cho người dân.

Thanh Hóa: Tràn lan các công trình xây dựng trái quy định

Ngôi nhà xây dựng vi phạm Luật Đê điều tại xã Xuân Lâm

Ngày 16/11/2018, UBND xã Hải Châu cũng đã lập Biên bản vi phạm và ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với bà Nguyễn Thị Huệ với hành vi lấn chiếm đất rừng phòng hộ với số tiền phạt 4 triệu đồng và yêu cầu bà Huệ tháo dỡ phần vi phạm xây dựng, hoàn trả lại hiện trạng. Phần đất các hộ lấn chiếm trên đất rừng phòng hộ thuộc UBND xã Hải Châu quản lý, đã san lấp mặt bằng về phía Bắc lô đất ở có kích thước 56m x 23,5m và phía Tây lô đất ở có kích thước 20m x 20m, xây 3 bờ tường đá hộc, trụ sắt (một bờ dài 27m, bờ dài 5,5m, bờ dài 6m); tổng diện tích san lấp trái phép là 1.716m2.

Điều kỳ lạ là, vài ngày sau khi báo cáo, tức 24/12/2018, ông Trương Bá Duyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia đã ký ban hành 2 Giấy phép xây dựng: Giấy phép xây dựng số 4174/GPXD cho ông Nguyễn Văn Nhân và Giấy phép xây dựng số 4175 cho hộ bà Nguyễn Thị Huệ. Vị trí xây dựng tại thôn Nam Giang, xã Hải Châu (trên khu đất đã được UBND tỉnh quy hoạch Khu đô thị Hải Ninh và được Bộ Xây dựng thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vị trí các hộ xây dựng nêu trên thuộc đất cây xanh theo quy hoạch).

Thanh Hóa: Tràn lan các công trình xây dựng trái quy định

Biệt phủ không phép của Công ty Xi măng Công Thanh

Trước sự việc trên, ngày 18/2/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 437/SNN&PTNT gửi UBND huyện Tĩnh Gia với nội dung: Theo Báo cáo của Chi cục đê điều và PCLB đã tháo dỡ hàng rào bao quanh khu vực vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay gia đình bà Huệ lại đang thực hiện đào và xây móng trên khu vực này. Hành vi trên của gia đình bà Huệ đã vi phạm vào khoản 10, Điều 7, Luật Đê điều và khoản 4, Điều 12 Luật Phòng chống thiên tai.

Tại xã Hải Thanh, Hải Bình các doanh nghiệp, hộ dân ngang nhiên san lấp, xây dựng trái phép hàng nghìn mét vuông nhà xưởng, công trình phụ trợ trong khu vực đê chắn sóng, âu thuyền tại cảng cá Lạch Bạng. Điều đáng nói là tình trạng trên diễn ra liên tục, kéo dài nhưng chính quyền địa phương không đưa ra biện pháp xử lý dứt điểm.

Thanh Hóa: Tràn lan các công trình xây dựng trái quy định

Văn bản yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Sở Xây dựng

Theo thống kê của Ban Quản lý cảng cá Lạch Bạng, tính đến thời điểm hiện tại có 22 trường hợp là hộ gia đình, công ty chế biến thủy hải sản, xưởng sửa chữa tàu thuyền,… ngang nhiên đổ đất đá chiếm dụng để xây dựng bờ kè, công trình, nhà xưởng ra khu vực cảng cá, khu neo đậu cho tàu thuyền. Tại khu vực cảng cá Hải Thanh, năm 2018, chính quyền xã đã phát hiện hơn 10 trường hợp xây dựng lấn cảng, vùng âu thuyền. Còn tại xã Hải Bình, tình trạng các hộ kinh doanh, sửa chữa tàu thuyền, chế biến hải sản,... ngang nhiên xây dựng lấn chiếm cũng diễn ra khá phổ biến.

Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia Nguyễn Tiến Dũng thừa nhận: Thời gian qua tái diễn tình trạng xây dựng các công trình trái phép trên địa bàn, điểm nóng là Phú Lâm, Phú Sơn. Tại xã Phú Lâm, huyện đã chỉ đạo lập biên bản vi phạm hành chính 20 trường hợp xây dựng nhà, bán bình, mái che và công trình phụ. Chủ tịch UBND huyện đã ban hành 14 quyết định xử phạt hành chính về xây dựng, UBND xã Phú Lâm ban hành 6 quyết định xử phạt hành chính về lĩnh vực đất đai.

Tại xã Phú Sơn phát hiện 20 trường hợp vi phạm, trong đó 8 nhà tạm lợp mái tôn, 2 mái che sân, 5 chuồng trại và còn lại là các công trình phụ. Chủ tịch UBND huyện đã ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, UBND xã Phú Sơn ban hành 1 quyết định xử phạt, buộc tháo dỡ di dời trả lại nguyên trạng.

Đối với công trình xây dựng mà UBND huyện cấp phép cho hộ ông Nguyễn Văn Nhân và bà Nguyễn Thị Huệ tại xã Hải Châu có sai sót do cán bộ chuyên môn chưa cập nhật Luật Đê điều. UBND huyện đang tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm trong việc cấp phép xây dựng sai. UBND huyện cũng đã tiến hành kỷ luật khiển trách 2 Chủ tịch UBND xã, 1 phó Chủ tịch UBND xã, 1 trưởng công an xã, 3 cán bộ địa chính vì để xảy ra xây dựng trái phép trên địa bàn.

“Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo quyết liệt các phòng ban, chính quyền địa phương kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm không đảm bảo quy định. Nơi nào để xảy ra vi phạm thì Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch huyện. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần tăng cường tuyên truyền cho người dân biết, hiểu các quy định của luật để không chạy đua theo phong trào xây dựng chờ dự án đền bù. Huyện sẽ có cơ chế phối hợp linh hoạt, hiệu quả hơn với Ban Nghi Sơn trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng”, ông Dũng nói.

Theo congly.vn