Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định môn tiếng Hàn và tiếng Đức là ngoại ngữ 1 được tổ chức giảng dạy từ lớp 3 đến hết lớp 12.

Nội dung của chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn và Đức thể hiện định hướng cơ bản được nêu trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ở cấp tiểu học (lớp 3-5), việc dạy hai ngoại ngữ này giúp học sinh bắt đầu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp cơ bản thông qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, trong đó chú trọng nhiều hơn đến nghe và nói.

Học sinh cấp THCS sẽ hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, tư duy và nâng cao hiểu biết của về văn hóa, xã hội của Hàn Quốc, Đức cũng như các quốc gia khác, đồng thời hiểu sâu hơn về văn hóa, xã hội dân tộc mình.

Mục tiêu ở cấp THPT là học sinh phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Hàn, Đức dựa trên nền tảng chương trình đã học ở cấp tiểu học và THCS. Chương trình cũng sẽ trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng để học tập suốt đời, phát triển năng lực làm việc trong tương lai.

Tổng thời lượng học tập môn tiếng Đức của học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 là 1.155 tiết. Trong đó, học sinh tiểu học học 4 tiết/tuần; học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông học 3 tiết/tuần. Môn tiếng Hàn cũng có thời lượng học tập tương tự.

Trước một số ý kiến băn khoăn, lo lắng về việc môn tiếng Đức, tiếng Hàn sẽ trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3 đến lớp 12, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin rõ: Đây là cách hiểu chưa đầy đủ. Khái niệm “ngoại ngữ 1” là ngoại ngữ bắt buộc. Theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2006, nhà trường chọn 1 trong 4 ngoại ngữ làm ngoại ngữ 1, gồm: Tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc. Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung quy định về việc tiếng Nhật được dạy học trong trường phổ thông như ngoại ngữ 1 hoặc ngoại ngữ 2, tùy theo nhu cầu, lựa chọn của các địa phương, nhà trường.

Như vậy, sau khi ban hành Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT, hiện ngoại ngữ 1 gồm có 7 thứ tiếng: Tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Đức. Tùy theo điều kiện cụ thể, các địa phương, nhà trường bắt buộc chọn 1 trong 7 thứ tiếng trên để tổ chức giảng dạy.

Còn khái niệm “ngoại ngữ 2” là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc. Tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện thực tế, các nhà trường có thể tổ chức giảng dạy đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Theo Pháp luật và Xã hội