Theo đó, trong năm 2023, nhiều kiến nghị đã được gửi đến Bộ Tài chính và các cơ quan, ban, ngành có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết với các ngân hàng thương mại, tăng cường công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng, rà soát lại những hợp đồng mẫu về một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, đã đưa ra các giải pháp để tăng cường tính minh bạch của thị trường và đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, chẳng hạn bổ sung các quy định nhằm nâng cao chất lượng của đại lý bảo hiểm, có các quy định riêng về việc triển khai bán bảo hiểm qua ngân hàng; tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giám sát hoạt động tư vấn của đại lý; yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phải xây dựng bản tóm tắt hợp đồng bảo hiểm, trong đó nêu rõ các quyền lợi, thời hạn, các nghĩa vụ đóng phí, cung cấp thông tin.
Ngoài ra, cơ quan này còn tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm, tăng cường các chế tài đối với đại lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thiết lập và công bố đường dây nóng để tiếp nhận và giải đáp, xử lý dứt điểm, kịp thời các phản ánh/thắc mắc của khách hàng về hợp đồng bảo hiểm.
Nhiều ý kiến cho rằng, để dẫn đến cuộc khủng hoảng niềm tin vừa qua là do còn thiếu quy định chặt chẽ về minh bạch hóa thông tin bảo hiểm. Chỉ đến khi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 thì việc minh bạch thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, đại lý bảo hiểm… mới rõ ràng. Đây là cơ sở quan trọng để khách hàng dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm thông tin, lựa chọn sản phẩm bảo hiểm, tránh những thông tin sai lệch, một chiều.
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, các doanh nghiệp sẽ phải công khai nhiều thông tin “nóng” như thông tin về quyết định xử phạt đối với những vi phạm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bản án, quyết định của tòa án về hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm; quyết định khởi tố đối với doanh nghiệp, người quản lý, người kiểm soát của công ty bảo hiểm.
Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm - ông Ngô Việt Trung nhấn mạnh: “Để đảm bảo sự phát triển theo hướng bền vững của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, quy định tại Nghị định 46/2023/NĐ-CP và Thông tư 67/2023/TT-BTC ngoài tăng cường tính minh bạch trong cung cấp bảo hiểm qua ngân hàng, còn tập trung vào 2 trụ cột chính là đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia của khách hàng và tăng cường giám sát, đảm bảo chất lượng của hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng”.
Bộ Tài chính cho biết, tới đây sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra; tăng cường truyền thông phổ biến pháp luật về hợp đồng bảo hiểm.
Giám đốc F.I.S Vietnam - bà Nguyễn Ngọc Thanh cho rằng, minh bạch hóa thông tin cùng với chế tài xử phạt mạnh tay các vi phạm sẽ đảm bảo tính kỷ luật và lòng tin của thị trường, giúp bảo hiểm lấy lại niềm tin của người dùng, hướng tới nâng hạng thị trường bảo hiểm. Vị này nhấn mạnh: “Giống như thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm cũng cần coi minh bạch là mục tiêu hàng đầu. Hiện nay, thông tin trên thị trường được cung cấp bởi Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam… còn thiếu tính cập nhật, thiếu đầy đủ. Khi các thông tin bảo hiểm được công bố một cách công khai và minh bạch sẽ đảm bảo sự công bằng cho khách hàng, giúp họ đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Tôi mong chờ nghị định về xử phạt vi phạm bảo hiểm đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét sớm được thông quan và ban hành, trong đó nâng cao mức phạt vi phạm công bố thông tin vì theo dự thảo phiên bản cập nhật đến cuối tháng 11/2023 thì mức phạt liên quan đến công khai thông tin còn thấp, không đủ sức răn đe”./.
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/thi-truong-bao-hiem-2024-can-minh-bach-va-co-che-tai-du-manh-114380.html