Dòng tiền suy yếu, VN-Index khó trở lại xu hướng tăng điểm

VN-Index tiếp tục có 1 tuần giảm điểm, chỉ số đã để mất 21,85 điểm tương ứng mức giảm 2,03% chốt tuần tại 1.055,3. Điểm đáng chú ý trong tuần là việc thanh khoản của thị trường liên tục suy yếu, thanh khoản khớp lệnh trên HoSE từ mức trung bình khoảng 600 triệu đơn vị/phiên của tuần trước, tuần này mức thanh khoản trung bình chỉ còn khoảng 450 triệu đơn vị/phiên, thấp nhất là phiên ngày 9/2 với mức thanh khoản chỉ hơn 383 triệu đơn vị.

HNX-Index giảm 6,78 điểm (-3,15%) xuống mức 208,50 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 38,4% xuống 4.260 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 39,7% xuống 282 triệu cổ phiếu.

Top 10 ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index trong tuần phân bổ ở 5 ngành, đó là Bất động sản (VHM, VIC), Bán lẻ (MWG), Thực phẩm và Đồ uống (MSN), Ngân hàng (VIB, VPB và STB), Vận tải (VJC) và Vật liệu xây dựng (HPG, GVR), cho thấy áp lực bán lan tỏa trên toàn thị trường. Chiều tăng điểm, các trụ như VCB, GAS đã giúp VN-Index ít tiêu cực hơn khi giúp chỉ số tăng lần lượt 1,6 điểm và 0,9 điểm.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị 900 tỷ đồng với cả 5 phiên mua ròng trong tuần. STB được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị 770 tỷ đồng, cổ phiếu này cũng bắt đầu hết room khối ngoại trong tuần. HPG xếp thứ hai với giá trị mua ròng 195 tỷ đồng.

Nỗ lực hồi phục VN-Index trong tuần đã dừng bước khi chỉ số chạm vùng 1.090. Xu hướng giảm điểm ngắn hạn đã hình thành sau khi chỉ số mất mốc MA 20 ngày (1.075). Thanh khoản suy giảm làm khả năng chỉ số khó tích cực trở lại ngay trong ngắn hạn. Chính vì vậy, chuyên gia phân tích của MASVN kỳ vọng diễn biến cân bằng sẽ xuất hiện trong tuần sau khi chỉ số về vùng MA 20 tuần (1.040).

Cổ phiếu bất động sản gây áp lực tiêu cực lên chỉ số VN-Index

Kết thúc tuần thứ hai sau Tết Nguyên đán, nhóm ngành bất động sản có 27 mã tăng giá, 15 mã đứng giá trong khi có đến 80 mã giảm giá. 

Dẫn đầu top giảm điểm tuần này của nhóm ngành bất động sản là XDH (-15%), đối lập với tuần trước khi cổ phiếu này đứng đầu top tăng điểm (+93%). Tuy nhiên, XDH của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Dân dụng Hà Nội là mã thuộc diện thanh khoản cực thấp, tuần qua chỉ khớp lệnh 200 đơn vị.

Đáng chú ý, sáng 8/2, Ngân hàng Nhà nước tổ chức "Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản". Sự kiện thu hút sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tuy nhiên, kết quả của hội nghị chưa đáp ứng được kỳ vọng gỡ nút thắt tín dụng cho lĩnh vực bất động sản. Ngay sau đó, nhóm cổ phiếu bất động sản phản ứng tiêu cực, quay đầu giảm mạnh, đi ngược lại với sắc xanh của VN-Index phiên hôm đó. 

Liên tiếp những ngày sau đó vẫn là chuỗi ngày giảm điểm khiến nhóm ngành bất động sản "vững vàng" ở Top 10 ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index trong tuần.

Những mã đáng chú ý trong top giảm điểm có thể kể đến: DXG (-13,4%), PDR (-12%), DRH (-11%), CRE (-10,9%), HPX (-9,7%), DIG (-9,3%)...

Ở chiều ngược lại, vẫn có một số cổ phiếu tăng giá. Tuy nhiên, hầu hết trong số đó là những mã thuộc diện thanh khoản thấp. Điển hình là top 3 mã tăng giá mạnh nhất tuần là MGR (niêm yết trên sàn UpCOM) của Công ty cổ phần Tập đoàn Mgroup tăng 41%, thanh khoản cả tuần 1200 đơn vị; VHD (niêm yết trên sàn UpCOM) của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex tăng 33,3%, thanh khoản cả tuần 1500 đơn vị; HU6 (niêm yết trên sàn UpCOM) của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị HUD 6 tăng 27%, thanh khoản cả tuần chỉ 274 đơn vị.

VN-Index ghi nhận một tuần làm việc khó khăn khi áp lực bán mạnh diễn ra vào phiên 7/2 đã lấy đi thành quả phục hồi của phiên trước đó. Lực bán phần lớn đến từ các mã vốn hóa lớn đã gây áp lực lên thị trường khiến chỉ số rung lắc mạnh. 

Thanh khoản xuống thấp cho thấy nhà đầu tư đang thận trọng, dòng tiền vẫn chưa thực sự trở lại thị trường. Về kỹ thuật, MBS cho rằng chỉ số VN-Index đang có vùng hỗ trợ 1.049 - 1.052 điểm, trong kịch bản vùng hỗ trợ này bị xuyên thủng sẽ kích hoạt lực bán từ hoạt động cắt lỗ./.

Theo Reatimes.vn

Nguồn: https://reatimes.vn/co-phieu-bat-dong-san-them-1-tuan-do-lua-20201224000017567.html