Bình luận về sự phát triển của thị trường ví điện tử tại Việt Nam, TS. Seng Kiong Kok - giảng viên ngành Tài chính (Đại học RMIT), nhận định thị trường ví điện tử Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn 5 năm từ 2015-2020. Kể từ đó, lĩnh vực này vẫn tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn, một phần có thể do những bất ổn từ COVID-19 hoặc do thị trường đang bão hòa, trong khi các ví điện tử hàng đầu như MoMo, ZaloPay hay ShopeePay cũng tiến hành tái cấu trúc trong nội bộ.

Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường ví điện tử, chúng ta cũng đang chứng kiến ​ảnh hưởng từ sự ganh đua giữa các ví đương nhiệm và tân binh, điển hình là việc các “ông lớn” đang ra sức củng cố vị thế của mình trên thị trường. Một xu thế đang hình thành là nhà đầu tư rót vốn thẳng vào hệ sinh thái của các doanh nghiệp chủ chốt hiện đang có mặt trên thị trường thay vì đầu tư vào doanh nghiệp mới. Trong đó phải kể đến việc MoMo gọi vốn thành công 200 triệu USD giữa đại dịch COVID-19.

Nếu nhìn vào tổng quan cạnh tranh hiện nay trong lĩnh vực thương mại điện tử (bao gồm thị trường ví điện tử bởi vì tính chất bổ trợ của nó), bước tiến tiếp theo của ví điện tử rất có thể là sự ra đời của một siêu ứng dụng. Một số doanh nghiệp thương mại điện tử lớn như Lazada đang kêu gọi tăng cường tính tích hợp trên thị trường, đồng nghĩa với việc giảm rào cản giữa các nền tảng.

Động lực phát triển siêu ứng dụng cũng xuất phát từ thực tế rằng các nền tảng thương mại điện tử (và ví điện tử) về cơ bản có thể thay thế hoàn hảo cho nhau, cho phép người dùng thay đổi hành vi tiêu dùng mà không gây ra hậu quả đáng kể.

Động lực tạo nên siêu ứng dụng cũng thể hiện ở việc hình thành các quan hệ đối tác chiến lược, đơn cử như “cú bắt tay” giữa MoMo và Gojek gần đây. Tương tự, đây cũng là kết quả từ mặt bằng cạnh tranh ngày càng gia tăng. Nhiều khả năng sẽ có thêm các thỏa thuận đối tác chiến lược giữa các nhà cung cấp ví điện tử và nền tảng đa dịch vụ theo yêu cầu.

Từ thực tế tại Việt Nam, vị chuyên gia của Đại học RMIT cho rằng, vẫn có dư địa để các ví điện tử xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các trung gian tài chính. Các tổ chức kinh tế như ngân hàng sẽ tiếp cận được phân khúc thị trường mà trước kia họ khó tiếp cận vì nhiều lý do khác nhau, còn các ví điện tử sẽ tận dụng được cơ sở hạ tầng của ngân hàng như mạng lưới chi nhánh, từ đó có thể mở rộng các dịch vụ bổ sung.

Theo congly.vn

Nguồn: https://congly.vn/thi-truong-vi-dien-tu-viet-nam-tang-truong-an-tuong-206805.html