Năng suất lao động nhóm ngành nông nghiệp thấp nhất nền kinh tế

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), giá trị năng suất lao động tổng hợp của Việt Nam có xu hướng tăng với tốc độ khá nhanh qua các năm.Năng suất lao động bình quân tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động/năm năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động/năm 2017. Trong giai đoạn 2012 - 2017, năng suất lao động bình quân của toàn nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ bình quân 5,3%/năm và tăng trưởng cao nhất vào năm 2015 với tốc độ 6,49%.

Trong giai đoạn 2008 - 2016, các ngành kinh tế vẫn duy trìnăng suất lao động ở mức cao là ngành khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí, nước nóng, hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm, hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ, hoạt động kinh doanh bất động sản, cung cấp nước.Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất lao động chưa cao. Còn ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn nằm trong số các ngành có mức năng suất lao động thấp nhất nền kinh tế.

Có thể thấy, Việt Nam có gần 16 triệu hộ nông thôn. Dù được coi là cường quốc xuất khẩu nông sản, nhưng năng suất lao động nông nghiệp đang rất thấp. Cụ thể, với ngành trồng trọt chỉ đạt 204.000 đồng/ngày công, chăn nuôi 228.000 đồng và thủy sản 275.000 đồng/ngày công. Theo báo cáo về “Triển vọng phát triển châu Á năm 2017” của ADB, sản lượng nông nghiệp bình quân trên mỗi lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Indonesia, chưa bằng một nửa so với Thái Lan, Philippines.

Thiếu lao động có trình độ cao đáp ứng nông nghiệp thời kỳ 4.0 - Ảnh 1

Chuyên gia nước ngoài chuyển giao công nghệ cho ngành nông nghiệp

Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2017 - 2020, mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 3,5%/năm và thu nhập cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so năm 2015. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này không hề đơn giản bởi chất lượng lao động trong ngành nông nghiệp hiện rất thấp.

Lỗ hổng về đội ngũ lao động khu vực nông thôn

Việt Nam là nước đi sau nên cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội quý cho nền nông nghiệp nước nhà nắm bắt các công nghệ mới diễn ra trên khắp thế giới. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội này, chất lượng lao động là yếu tố quan trọng nhất để vừa áp dụng được công nghệ nhưng cũng vừa tự tạo ra những công nghệ của riêng mình.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trình độ thấp của người lao động đã ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận khoa học công nghệ (KHCN). Đặc biệt, ở những vùng miền kinh tế kém phát triển, còn nhiều khó khăn thì đây là rào cản lớn trong việc xây dựng quy mô của một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực nông thôn có chất lượng không cao nhưng vẫn bị các khu vực khác cạnh tranh mạnh mẽ. Tình trạng đô thị hóa đã “hút” nguồn nhân lực trẻ, khỏe từ nông thôn ra thành thị, dẫn đến tình trạng lao động ở lại nông thôn chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động, không có sức khỏe hoặc đang đi học. Điều này làm sâu thêm những lỗ hổng về đội ngũ nhân lực khu vực nông thôn vốn đã yếu kém về mặt chất lượng.

Trong khi đó, hệ thống giáo dục nghề còn lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao cho sản xuất và đời sống, quản lý manh mún, chồng chéo dẫn đến sự lãng phí nguồn lực do tăng đầu mối quản lý và nhiều đơn vị cùng làm. Dạy nghề cũng chưa làm tốt việc kết hợp với sử dụng tạo việc làm chưa gắn kết chiến lược đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Dự báo, đến năm 2020, lĩnh vực nông nghiệp sẽ thiếu 3,2 triệu lao động đã qua đào tạo. Hiện Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời kỳ 4.0. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay và với 70% dân số vẫn sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực nông thôn là yêu cầu cấp thiết.

Theo baodansinh.vn