Dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Dự thảo Bộ luật đang được lấy ý kiến rộng rãi nhân dân và dự kiến trình Quốc hội khoá XIV xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua vào Kỳ họp thứ 8, tháng 10 năm 2019. Lần này, Bộ luật Lao động sẽ được sửa đổi toàn diện, cơ bản ở tất cả các chương, điều.

Đáng chú ý, về tuổi nghỉ hưu, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong dự thảo Ban soạn thảo đề xuất quy định mốc tuổi 62 với nam và 60 với nữ với lộ trình điều chỉnh kể từ 1/1/2021 theo 2 phương án:

Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ. Với phương án 1, đến năm 2028 thì nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 thì nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ).

Phương án 2, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ. Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn phương án 1: đến năm 2026 Nam đạt 62 tuổi và đến năm 2030 nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ).

42 nguoi lao dong dang huong huu tri hang thang van lam viec
Các vị khách mời trao đổi tại tọa đàm về sửa đổi Bộ luật Lao động

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Đồng thời, quy định quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

“Tăng tuổi nghỉ hưu là huy động nguồn nhân lực có chất lượng, thực tế nếu không quy định thì đến tuổi người lao động vẫn nghỉ, nhưng vẫn làm việc. Tôi ví dụ một bác sỹ rất giỏi khi nghỉ hưu họ vẫn làm việc ở các bệnh viện tư, vẫn mở phòng khám gia đình và lương của họ rất cao.

Số liệu thống kê cho biết có 42% người lao động đang hưởng hưu trí hàng tháng vẫn làm việc. Vậy tại sao chúng ta không sử dụng những nguồn nhân lực này để nó chính là động lực cho phát triển”, ông Thiện nói.

Ông Thiện cũng dẫn chứng, theo nghiên cứu của Viện Khoa học - Lao động và Xã hội năm 2014, cứ thêm 1% số lao động lớn tuổi làm việc sẽ giúp tăng 0,068% GDP. Tăng tuổi nghỉ hưu là giải pháp vĩ mô, mang tính chiến lược nhân lực để chủ động thích ứng với thời kỳ già hóa dân số, tránh tình trạng khủng hoảng nguồn nhân lực như một số nước từng trải qua. Đây là vấn đề có tính quy luật, nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi hoặc 67 tuổi và tất nhiên nước ta không thể nằm ngoài quy luật đó

Về lý do chọn lộ trình tăng chậm, theo ông Thiện là vì phát triển thị trường lao động và đối mặt với tốc độ già hóa dân số trong tương lai. Dự báo, đến năm 2035, Việt Nam có số người bước vào tuổi lao động là 1,5 triệu, song có đến 1,26 triệu người bước vào độ tuổi nghỉ hưu, lực lượng lao động tăng thêm hơn 250 ngàn người. Từ năm 2040, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động…

Tuy nhiên, ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn lại nhìn nhận, thị trường lao động Việt Nam hiện nay chưa thiếu lao động. Vì thế chưa nhất thiết phải tăng tuổi làm việc, nhưng có thể trong tương lai gần sẽ điều chỉnh.

“Cách điều chỉnh như thế nào tôi nghĩ đây là vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, liên quan đến việc làm, đến đời sống của người dân. Cho nên tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải xin ý kiến rộng rãi, ngoài ý kiến của chúng tôi là những chuyên gia còn phải xin ý kiến của những người lao động, những người trực tiếp sản xuất”, ông Thọ nói.

 

Theo phapluatxahoi.vn