Tổng quan ngành lương thực thực phẩm 2019

Xét về mặt giá trị sản xuất thì ngành lương thực thực phẩm có tổng doanh thu đứng thứ 2 trong các ngành hàng tại Việt Nam. Đây là ngành kinh tế quan trọng nhiều tiềm năng phát triển.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2019 và kế hoạch hoạt động năm 2020 của Hội lương thực thực phẩm TP. HCM diễn ra ngày 20/12 vừa qua, ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội cho biết, chỉ số phát triển công nghiệp của ngành chế biến lương thực thực phẩm 11 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 1,25% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, sản xuất đồ uống tăng là chủ yếu (7,38%), còn lại sản xuất chế biến thực phẩm lại giảm đáng kể (2,28%) so với năm trước.

Tình trạng lạm phát của thực phẩm tăng cao. Ảnh: Đầu Tư Cổ Phiếu

Nguyên nhân ngành lương thực thực phẩm không có mức tăng trưởng cao có thể là do năm qua, thị trường chứng kiến nhiều mặt hàng tăng giá đột biến như thịt lợn, thịt gà, rau củ… Thời điểm cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 các mặt hàng thực phẩm lại một lần nữa tăng cao, nhất là các mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt lợn.

Lần đầu tiên trong lịch sử ngành chăn nuôi, giá thịt lợn tăng nhanh hơn cả giá thịt bò. Nguyên nhân do dịch tả lợn Châu Phi hoành hành khiến tổng đàn lợn trong cả nước đều giảm, nguồn cung không đủ cầu. Thịt lợn tăng giá kéo theo các mặt hàng tươi sống khác cũng tăng giá. Thịt bò tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg; cá nước ngọt đều tăng khoảng 5.000 đồng/kg; gà công nghiệp tăng từ 24.000 lên 40.000 – 45.000 đồng/kg.

Nguồn cung thịt lợn đang lên cao vào những tháng cuối năm. Ảnh: VNE

Các sản phẩm có nguyên liệu từ thịt lợn cũng đều tăng giá. Giá giò lụa loại thường trước đây 120.000 đồng/kg, nay lên 150.000 đồng; loại ngon trước đây 150.000 đồng/kg nay lên 210.000 đồng. Lạp xưởng tươi thay vì 160.000 đồng, nay tăng lên 200.000 đồng/ kg. Các loại chà bông, giăm bông, thịt mắm tép... cũng tăng giá thêm 30.000 - 50.000 đồng một kg so với trước...

Thậm chí rau cũng tăng gấp đôi. Rau muống được bán phổ biến từ 6.000 - 10.000 đồng/mớ; mướp và đậu đũa cùng có giá 25.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng; giá bắp cải tăng từ 12.000 đồng lên 20.000 đồng/kg; khoai tây 13.000 đồng, tăng 5.000 đồng; cà tím 18.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng; cà rốt 15.000 đồng/kg; giá cà chua tăng gần gấp đôi lên 20.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá rau sống tăng từ 15.000 đồng lên 35.000 đồng/kg...

Xu hướng thực phẩm hiện đại văn minh

Ngoài việc lạm phát thực phẩm tăng cao thì năm vừa qua, có một số điểm sáng của ngành cần phải kể đến. Chưa bao giờ, thực phẩm hữu cơ lại hot như năm vừa rồi. Người tiêu dùng đang hướng đến những sản phẩm lương thực thông minh và lối sống lành mạnh. Đó là hàng loạt những cửa hàng thực phẩm hữu cơ khai trương, phong trào nuôi cá trồng rau được hưởng ứng mạnh mẽ.

Khảo sát nhanh hành vi người tiêu dùng tại 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM vào tháng 9/2019 của Vietnam Report cho thấy, ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng khi mua các sản phẩm thực phẩm đồ uống đó là thành phần dinh dưỡng đầy đủ (60,3%), tiếp đến là sản phẩm có nguồn gốc organic (51,5%). Báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của Nielsen cũng cho thấy, có đến 86% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên lựa chọn sản phẩm organic cho những bữa ăn hàng ngày bởi tính an toàn cho sức khỏe, giàu dinh dưỡng và hương vị thơm ngon.

Thực phẩm hữu cơ được ưa chuộng. Ảnh: Internet

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), người tiêu dùng sẵn sàng chi mức giá cao hơn 20% - 25% nếu sản phẩm đó là hữu cơ. Điều này cho thấy chất lượng cuộc sống và nhu cầu đòi hỏi sản phẩm sạch ngày càng được chú trọng hơn bao giờ hết.

Ngoài xu hướng thực phẩm hữu cơ thì xu hướng mua sắm thực phẩm online cũng trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây và tiếp tục tiếp diễn vào năm 2019. Dịch vụ giao hàng và gọi đồ ăn ngày càng phát triển khi mạng Internet và điện thoại thông minh có mặt khắp nơi. Ứng dụng đặt bàn, gọi thực phẩm ngay trên điện thoại di động vô cùng nhanh chóng và tiện lợi, tiết kiệm thời gian cho cả khách hàng và doanh nghiệp.

Thị trường dịch vụ giao hàng thực phẩm trước đây thống lĩnh là Now, Delivery thì năm vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gọi món như Lala, Grabfood, Loship, Lozi, Ahamove, GoFood ... Rồi đặt trực tiếp tại các cửa hàng, thương hiệu cũng là cách mà khách hàng tiếp cận thực phẩm nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Dịch vụ này khiến mối quan hệ giữa khách hàng và nhãn hàng văn minh hơn nhiều. Khách hàng chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đồng nghĩa với doanh nghiệp phải hoàn thiện mình hơn, nếu doanh nghiệp giao hàng nào có chất lượng không đảm bảo, không mang lại sự hài lòng cho khách hàng sẽ rất nhanh bị đánh bật ra khỏi thị trường này.

Theo Thanh Vân/Đô Thị Mới