Ngày 8/8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Trưởng ban làm trưởng đoàn đã kiểm tra, khảo sát thực tế hiện trường sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực công trình hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà) và làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng, các cơ quan chức năng về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn.
Thiệt hại hơn 70 tỷ đồng chỉ trong 7 tháng đầu năm
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết thời gian qua, tình hình thiên tai, thời tiết trên địa bản tỉnh Lâm Đồng diễn biến rất phức tạp, mưa lớn liên tục và kéo dài làm nền đất yếu gây ra các vụ sạt lở đất, sạt trượt công trình xây dựng đặc biệt nghiêm trọng tại thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc, huyện Lâm Hà và một số địa phương khác trong tỉnh. Thiên tai gây thiệt hại lớn về tính mạng người dân, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Theo đó, từ đầu năm năm đến nay, địa phương xảy ra 13 trận mưa lớn, 1 trận mưa đá, 6 trận lốc xoáy, 7 vụ sạt lở đất... làm 9 người thiệt mạng, 4 người bị thương. Thiên tai làm hư hỏng, thiệt hại 236 căn nhà, 336ha cây trồng, cuốn trôi gần 3 nghìn con gia cầm, gia súc và làm hư hỏng 7 cầu dân sinh, 2 điểm trường, 4 công trình thủy lợi, sạt lở 230m đường giao thông… Mưa lũ gây ngập úng cục bộ tại một số nơi trên địa bản thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Đạ Huoai, huyện Lâm Hà... Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng trên 70 tỷ đồng.
“Đặc biệt, trong tháng 6 và tháng 7, lượng mưa nhiều, kéo dài. Riêng các ngày 29 - 30/7, lượng mưa tại đèo Bảo Lộc đạt 196m, một số địa điểm khác tại huyện Đạ Huoai, thành phố Bảo Lộc đạt từ 100mm đến 190mm... Điều này làm nền đất yếu, gây một số vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng”, ông Nguyễn Ngọc Phúc nói.
"Không nên để du khách bất an"
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao sự chủ động trong ứng phó, khắc phục hậu quả cũng như điều tra, nguyên cứu giải quyết các tình huống thiên tai của tỉnh Lâm Đồng.
"Lâm Đồng có Đà Lạt là thành phố cao nguyên, điểm đến thu hút du khách. Tuy nhiên, mỗi khi mưa lớn thì xảy ra ngập lụt, sạt lở đất là không bình thường. Không nên để du khách có cảm giác bất an với Đà Lạt", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ cùng các chuyên gia có nghiên cứu riêng cho Đà Lạt về giải quyết ngập lụt, sạt lở: “Bộ sẽ chủ động, có nghiên cứu riêng về Đà Lạt. Đà Lạt hiện cứ mưa là ngập lụt, vậy thoát lũ thế nào? Thứ hai là sạt trượt đất cũng cần tính toán lại”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Đà Lạt có 2 cổng thoát lũ, nhưng chỉ hoạt động được một cổng và việc xử lý lại hệ thống thủy lợi phải làm nghiêm túc. Đặc biệt với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, cần phải xử lý các vấn đề dự phòng tốt, không nên để du khách có cảm giác không an tâm khi tới thành phố. Địa phương cũng cần có hội thảo thêm với các chuyên gia trong lĩnh vực địa chất, xây dựng để được tham vấn nhiều vấn đề nhằm lồng ghép vào trong quy hoạch. Từ đó xử lý, dự phòng những tình huống cực đoan của biến đổi khí hậu.
Mưa không phải là nguyên nhân chính sạt lở đất ở Hồ thuỷ lợi Đông Thanh
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, tình trạng sạt lở đất ở Hồ thuỷ lợi Đông Thanh không phải xuất phát từ nguyên nhân chính là mưa nhiều, vì ở khu vực huyện Lâm Hà, lượng mưa đo được trong tháng 7 chỉ ở mức khoảng 200mm.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, nguyên nhân chính gây sạt trượt ở Hồ thuỷ lợi Đông Thanh là do có một khối trượt hiện hữu từ lâu và do một số tác động như đào múc, xây dựng… tác động. Do đó, khối trượt này bắt đầu hoạt động để gây sạt lở đất.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, việc tỉnh Lâm Đồng thực hiện khoan trắc 15 mũi khoan thăm dò, xác định nguyên nhân sạt trượt là cần thiết.
PGS.TS Nguyễn Châu Lân cũng cho rằng, nguyên nhân sạt trượt ở quanh dự án này không phải do mưa vì lượng mưa không lớn.
Ghi nhận tại dự án đang thi công có dòng chảy ngầm lớn, khiến hệ số an toàn thấp, dễ gây ra sạt trượt và phạm vi ảnh hưởng cũng tương đối lớn. Hiện, các đơn vị đang thực hiện khoan để xác định phạm vị khối sạt trượt hạ lưu ảnh hưởng tới công trình. Sau khi có kết quả mới đánh giá, xác định chính xác nguyên nhân để sửa chữa công trình.
Chuyên gia đưa ra giải pháp khắc phục sự cố trên bằng cách làm rãnh, bạc nước từ trên xuống để tránh ngấm; làm thoát nước sâu bên trong để xử lý các điểm sạt trượt. Phía khu vực thượng lưu cũng có khối trượt, nhưng hiện chưa khoan nên đề nghị khoan địa chất để đánh giá lại.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/thu-truong-bo-nnptnt-khong-nen-de-du-khach-co-cam-giac-bat-an-khi-den-da-lat-79533.html