thu tuong nguyen xuan phuc chu tri hoi nghi chinh phu truc tuyen voi cac dia phuong
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; các điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu ý kiến mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhìn lại sáu tháng qua, đến hôm nay, chúng ta có thể vui mừng đánh giá kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt kết quả quan trọng, toàn diện.

Trước hết, Thủ tướng nêu ra một số sự kiện đối ngoại nổi bật thời gian qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như: chính thức ký Hiệp định EVFTA, IPA với EU; trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu rất cao; chuẩn bị phục vụ tốt Hội nghị cấp cao Mỹ - Triều Tiên, tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc… Qua đó, thể hiện hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển và có trách nhiệm.

thu tuong nguyen xuan phuc chu tri hoi nghi chinh phu truc tuyen voi cac dia phuong
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến mở đầu hội nghị.

Nhấn mạnh Chính phủ đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong chỉ đạo điều hành suốt sáu tháng qua, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã và đang làm được rất nhiều việc: Xây dựng kịch bản tăng trưởng, phương án điều hành hằng tháng, hằng quý, tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc về hội nhập quốc tế, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, chế biến nông sản, phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, phát triển du lịch, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử… Không chỉ kinh tế, các vấn đề xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại cũng được quan tâm.

Về kết quả sáu tháng đầu năm 2019, theo Thủ tướng, kinh tế vĩ mô ổn định. Lạm phát được kiểm soát tốt; tăng trưởng GDP, thu ngân sách, đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu, phát triển doanh nghiệp đều đạt khá. “Việc chúng ta đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6,76% là rất tốt vì trên nền tăng trưởng cùng kỳ 2018 đã đạt ở mức cao. Mức này cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017”, Thủ tướng đánh giá cao ngành nông nghiệp nỗ lực vượt khó, đạt mức tăng trưởng 2,39%.

Đặc biệt, thủy sản tăng đến 6,45%, cao nhất trong chín năm trở lại đây, gia cầm tăng 7%, đã bù đắp một phần thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi. Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5%, cao nhất trong ba năm qua. Điều đáng mừng, chúng ta quán triệt quan điểm thúc đẩy tăng trưởng nhưng vẫn bảo đảm ổn định vĩ mô. Tăng trưởng tín dụng sáu tháng chỉ khoảng 7%, CPI giảm 0,09%. Thu hút trên 8,5 triệu lượt khách quốc tế. Xuất siêu hơn 1,6 tỉ USD. Vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục với 9,1 tỉ USD. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Khẳng định kết quả đạt được thời gian qua là rất quan trọng nhưng Thủ tướng mong muốn các tư lệnh ngành, lãnh đạo các địa phương đề cập nhiều hơn, tập trung hơn vào những tồn tại, hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức mà đất nước, từng bộ, ngành, địa phương phải đối mặt. Trên cơ sở đó, chúng ta cùng bàn kỹ để đưa ra đối sách, giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả, kiên quyết không để vướng mắc kéo dài, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và trực tiếp theo dõi nắm bắt tình hình, Thủ tướng cho biết nổi lên một số vấn đề cần tập trung thảo luận:

Trước hết, về nông nghiệp, tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, có 60/63 tỉnh, thành phố có dịch, tiêu hủy trên 2,82 triệu con lợn, chiếm 10% tổng đàn. Nắng nóng kéo dài trên diện rộng làm giảm năng suất lúa, cây trồng, vật nuôi; nguy cơ hạn hán, thiếu nước trầm trọng ở một số khu vực có thể diễn ra. Diện tích trồng rừng tập trung giảm 5%, diện tích rừng bị cháy tăng, nhất là vụ cháy rừng tại Hà Tĩnh là lời cảnh tỉnh sâu sắc đối với các vùng trên cả nước.

Tỷ lệ tồn kho ngành chế biến, chế tạo tăng 16,1%. Nhiều dự án trọng điểm về năng lượng, giao thông, hạ tầng chậm tiến độ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng. Nguy cơ thiếu điện hiện hữu mặc dù đã vận hành thêm điện diesel và nhập khẩu điện.

Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm, do giá giảm. “Chúng ta đã ký EVFTA, vấn đề đặt ra là phải triển khai hiệu quả, có sản phẩm xuất khẩu, bảo đảm chất lượng. Trước tình hình thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải nỗ lực hơn để đáp ứng hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay”, Thủ tướng lưu ý. Đây là câu hỏi mà hội nghị lần này phải quán triệt, phải thảo luận để từ hội trường đi vào cuộc sống, sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, người dân.

thu tuong nguyen xuan phuc chu tri hoi nghi chinh phu truc tuyen voi cac dia phuong
Quang cảnh buổi hội nghị.

Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa có bước tiến thực chất. Phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự mà chúng ta cần quan tâm nhiều hơn như gian lận thi cử, đạo đức văn hóa ứng xử, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, tình trạng trẻ em đuối nước, rác thải nhựa, xảy ra nhiều vụ trọng án giết người dã man, đánh bạc trên mạng quy mô lớn, nạn buôn bán ma túy… Tuy tai nạn giao thông giảm, nhưng vẫn còn nhiều vụ nghiêm trọng.

Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần, thái độ làm việc của đại bộ phận cán bộ, công nhân viên chức là tốt, có nhiều cố gắng, có trách nhiệm, nhưng vẫn còn một bộ phận nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc lơ là, bê trễ trong công việc nên lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành cần phải chấn chỉnh ngay tình trạng này, không để đến khi vi phạm phải xử lý mất cán bộ. Tình trạng “nói hay, làm dở”, làm chậm, trách nhiệm thấp, kể cả chuyển lòng vòng, cấp dưới kêu ca, người dân chờ đợi vẫn còn. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác trong phát sinh ở từng bộ, từng ngành, đặc biệt là các địa phương, ví dụ như các tồn tại, hạn chế về cơ chế điều phối vùng, quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp, vấn đề đấu giá đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công, tài nguyên rừng, cát đá sỏi khai thác trái phép…

Thủ tướng hoan nghênh nhiều lãnh đạo địa phương đã rất sát sao, chủ động, nắm chắc tình hình, chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề thực tiễn phát sinh cũng như nhiều mô hình tốt xuất hiện ở địa phương. Vì vậy cần nhân rộng kinh nghiệm quý, cách làm hay từ thực tiễn để làm tốt hơn trên phạm vi cả nước.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các địa phương phát biểu ngắn gọn, tập trung vào những vấn đề cụ thể phát sinh, đề xuất đối sách biện pháp giải quyết một cách thẳng thắn, trong đó, các địa phương bị ảnh hưởng bão số 2 nói ngắn gọn về tình hình bão.

Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, tư lệnh ngành với trách nhiệm cao nhất, tiếp thu, lắng nghe và xử lý nhanh những vấn đề tồn tại kéo dài. “Và như vậy một số tồn tại mà ai cũng thấy để các đồng chí phát biểu xem có đúng không, ví dụ như vấn đề liên quan đến Luật Quy hoạch, Nghị định về BOT, Thủ tướng nói rất nhiều rồi; vấn đề sân golf, tôi nói tiêu chí chứ không phải quy định từng sân golf; vấn đề tự chủ các đơn vị sự nghiệp công; rồi một số công trình đã có chủ trương nhưng vẫn giẫm chân tại chỗ, có tình trạng đó không”, Thủ tướng nêu vấn đề.

Thủ tướng cho rằng một số vấn đề về văn hóa đạo đức xã hội còn nhiều tồn tại, bất cập, yếu kém, rồi vi phạm ở một số địa phương, bộ, ngành cũng cần được liên hệ để xử lý. “Chúng ta có thái độ nhìn nhận nghiêm túc, thể hiện trách nhiệm nhưng đặc biệt là tìm giải pháp khắc phục trong sáu tháng cuối năm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng quán triệt tinh thần phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu mà Trung ương và Quốc hội đã giao trên tinh thần bứt phá và toàn diện. “Tinh thần ấy vẫn được quán triệt tại phiên họp này trong thảo luận và trong hành động của tất cả các bộ, các cơ quan, không ai bàn lùi mà phải bàn tiến để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng lưu ý bối cảnh quốc tế, khu vực hiện nay rất phức tạp, dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, yêu cầu đặt ra với tất cả các bộ, các ngành, các địa phương là cần phải linh hoạt ứng phó, có đối sách kịp thời, không được chủ quan, phải xác định rõ những nhiệm vụ, những giải pháp trọng tâm đối với từng bộ, ngành, địa phương trên tinh thần phân cấp mạnh mẽ hơn, đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo điều hành, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, đánh giá tình hình kinh tế sáu tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: GDP tăng chưa phải là cao nhưng có nhiều kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp; môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều kết quả tích cực; số doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng; chính sách tiền tệ, tài khoá tiếp tục được điều hành linh hoạt, thận trọng; thu chi ngân sách diễn biến tích cực; các cân đối lớn và vĩ mô được bảo đảm... Chúng ta vừa ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), đây là lợi thế cho những năm tới. Vấn đề quan trọng là chúng ta làm gì để tận dụng cơ hội từ hiệp định này. Các mặt an sinh xã hội được thực hiện tốt; các vấn đề xã hội đã được tập trung quan tâm; an ninh quốc phòng được bảo đảm. Vấn đề đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong kỷ nguyên số đã phát triển đáng mừng. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu rõ các rủi ro, thách thức từ bên ngoài, đòi hỏi chúng ta phải theo sát diễn biến, có giải pháp ứng phó đúng đắn.

Thủ tướng lưu ý thời gian tới, quan điểm chỉ đạo điều hành nhất quán của Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi, toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dứt khoát không điều chỉnh các chỉ tiêu. Nhấn mạnh nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là hết sức nặng nề, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương (BNĐP) phải bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; cần theo dõi chặt diễn biến thế giới, tận dụng cơ hội các FTA đã ký, đón thời cơ thu hút các DN công nghệ toàn cầu đến Việt Nam làm ăn; tăng cường chống gian lận xuất xứ hàng hoá, đội lốt nhãn mác hàng hoá Việt Nam. Các bộ, ngành tài chính thế giới, bảo đảm ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối, tăng cường sức chống chọi với tác động bên ngoài..., phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP năm 2019 từ 6,6 đến 6,8%.

Để làm tốt việc đó, Thủ tướng yêu cầu các BNĐP cần chú trọng khai thác các động lực tăng trưởng; ngăn chặn hiệu quả dịch tả lợn châu Phi với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhất là từ cơ sở và người dân; chú trọng phát triển lĩnh vực nông sản, thủy sản; tích cực phòng chống thiên tai, cháy rừng. Chúng ta hiện có 13 FTA, do đó cần đa dạng hoá thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, chú trọng thị trường nội địa, tích cực kêu gọi vốn đầu tư, xúc tiến thương mại; nỗ lực thu hút các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các DN công nghệ cao, DN chuỗi giá trị. Thu hút đầu tư có chọn lọc, có chiến lược; chú trọng kêu gọi các tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới vào đầu tư ở Việt Nam. Kết hợp kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, đầu tư FDI; tăng cường liên kết các DN trong nước và DN FDI. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ODA; các BNĐP phải lập tổ công tác thúc đẩy việc giải ngân; có chế tài điều chuyển vốn những ngành, địa phương giải ngân chậm. Có giải pháp toàn diện hơn phát triển du lịch. Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy nhanh tái cơ cấu, cổ phần hoá, thoái vốn tại DNNN. Các tập , tổng công ty nhà nước vươn lên, đổi mới khoa học công nghệ, quản trị kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng, tăng thu cho ngân sách. Đẩy nhanh việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tích cực xử lý nợ xấu, giữ an toàn hệ thống ngân hàng; tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên, chống thất thu thuế, chống chuyển giá...

Thủ tướng đặc biệt chỉ đạo các BNĐP tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách thực chất. Phải rà soát lại các khâu, xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, hối lộ, cản trở phát triển. Các bộ, ngành khẩn trương rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết để giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện cho DN phát triển, nhất là DN vừa và nhỏ. Quan tâm thực sự môi trường kinh doanh để có nhiều DN khởi nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 chúng ta có 1 triệu DN hoạt động. Các bộ, ngành chức năng nghiên cứu sửa đổi một số quy định để phát triển DN. Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ: kinh tế là một dòng chảy không được dừng. Chúng ta sẽ điều chỉnh chính sách để tạo sự phát triển, không để xảy ra sự kìm hãm, tụt hậu.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt đón đầu cơ hội đầu tư từ các Hiệp định FTA. Các Bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương phải coi trọng, có trách nhiệm việc này; phải đưa ra tiêu chí lựa chọn đầu tư, có cơ chế thúc đẩy liên kết DN FDI và DN trong nước; phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các Thông tư, Nghị định đang bị chậm. Nhiệm vụ chính của các bộ, ngành chính là tạo thể chế cho sự phát triển. Các BNĐP nghiêm túc tiếp thu các giải pháp tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Chúng ta không chỉ lo phát triển kinh tế mà phải lo cả bảo vệ môi trường, tạo đồng bộ cho phát triển bền vững. Nếu không chú ý đúng mức các vấn đề xã hội thì sẽ đến lúc kinh tế không phát triển được nữa. Tích cực xử lý các vấn đề chống gian lận thi cử, ma tuý, tai nạn giao thông; có cơ chế, chính sách, chế tài để xử lý vấn đề rác thải nhựa đại dương. Tiếp tục nâng cao năng lực quản trị của mọi cơ quan, tổ chức; nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, gắn trách nhiệm với dân...

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương sớm có đánh giá biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, sớm đề xuất biểu giá phù hợp; có giải pháp truyền thông phù hợp để dư luận xã hội hiểu rõ vấn đề này; Bộ Công thương cùng với ngành điện bằng mọi giá phải bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Các BNĐP chủ động đẩy nhanh tiến độ chính quyền điện tử, xây dựng hành lang pháp lý cho vấn đề này; có chương trình hỗ trợ DN ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0); sớm hoàn thiện các thể chế liên quan CMCN4.0; hoàn thiện khung khổ pháp lý để phát triển kinh tế số, thanh toán ảo...

Thủ tướng lưu ý các cơ quan thông tấn, báo chí cần tập trung tuyên truyền để góp phần xây dựng ý chí, khát vọng dân tộc hùng cường, nhất là hướng đến dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm Quốc khánh (2045). Tích cực tuyên truyền các điển hình tốt, công tác truyền thông phải chính xác, khách quan, chống thông tin xấu, độc hại.

Nguồn:https://kinhtemoitruong.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-chu-tri-hoi-nghi-chinh-phu-truc-tuyen-voi-cac-dia-phuong-5958.html 

Theo Kinh Tế Môi Trường