Việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn rất chậm; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân, có giải pháp đẩy nhanh việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Ngày 13/7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, để được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, người lao động phải đáp ứng các điều kiện sau:
Riêng dối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp (mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng): Thời gian ở thuê, ở trọ từ ngày 1/2/2022 - 30/6/2022; thời gian ký và thực hiện hợp đồng từ 1 tháng trở lên và bắt đầu thực hiện trước 1/4/2022.
Đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động (mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng): Thời gian ở thuê, ở trọ từ ngày 1/4/2022-30/6/2022; thời gian ký và thực hiện hợp đồng từ 1 tháng trở lên và bắt đầu thực hiện từ 1/4/202-30/6/2022.
Mặt khác, người lao động muốn được hưởng chính sách hỗ trợ thuê nhà phải là đối tượng thuộc diện đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách đề nghị hỗ trợ. Nếu không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách đề nghị hỗ trợ.
Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/7, trả lời về vấn đề giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho hay tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ rất thấp sau hơn ba tháng triển khai.
Cụ thể, tính đến ngày 4/7, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, đã tiếp nhận hồ sơ của 13.880 doanh nghiệp để hỗ trợ cho 558.024 lao động với kinh phí hỗ trợ hơn 357 tỷ đồng tại 45 địa phương.
Các địa phương đã phê duyệt cho 280.954 lao động với tổng kinh phí 209 tỷ đồng tại 38 địa phương. Đã có 15 địa phương giải ngân cho 13.541 lao động với kinh phí hơn 70 tỷ đồng.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh thừa nhận so với việc hỗ trợ thì tỷ lệ này còn rất thấp (hơn 1%), nguyên nhân do các địa phương đang chờ kinh phí từ trung ương, chưa chủ động bố trí nguồn thực hiện.
Cùng với đó, một số địa phương sợ làm sai nên yêu cầu phải có xác nhận. Trong yêu cầu chỉ cần có xác nhận của chủ nhà trọ nhưng nhiều nơi còn yêu cầu phải chính quyền địa phương cấp xã, phường xác nhận. Một số doanh nghiệp cũng sợ sai cho nên nộp danh sách cho bảo hiểm xã hội làm còn chậm.
Ông Vũ Trọng Bình, cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trao đổi với báo chí đã nhấn mạnh, Cục đã đề nghị chủ tịch UBND cấp tỉnh thành chỉ đạo các khu công nghiệp, doanh nghiệp tập trung đẩy nhanh tốc độ làm hồ sơ.
Theo ông Bình, ngoài hướng dẫn chi tiết gửi về các tỉnh thành, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cử nhiều đoàn công tác tại những địa phương trọng điểm như TP.HCM, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương... để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và đôn đốc triển khai chính sách.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/thu-tuong-yeu-cau-day-nhanh-ho-tro-tien-thue-nha-cho-nguoi-lao-dong-69057.html