Sáng nay (24/11), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Chính phủ coi xây dựng thể chế là nhiệm vụ trung tâm. Chức năng quan trọng nhất của Quốc hội là lập pháp nhưng 90% các dự án luật là do Chính phủ đề xuất, nên nếu có khuyết điểm trong công tác này thì Chính phủ nhận trước tiên.
Ghi nhận các ý kiến nêu lên những tồn tại trong công tác này, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung gồm "vòng đời" của một số dự án luật còn ngắn; công tác tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động còn hạn chế; vẫn còn tình trạng xin lùi, xin rút dự án luật, pháp lệnh. Công tác thi hành pháp luật còn bất cập, chưa có cơ chế đồng bộ để thực hiện hiệu quả; tình trạng “nợ đọng” quy định chi tiết thi hành chưa được khắc phục triệt để…
Từ đó, Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, xác định rõ trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, chú trọng nâng cao hiệu lực hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật…
Trong đó, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình và hiện đại hóa kỹ thuật xây dựng pháp luật, quy định rõ trách nhiệm, đặc biệt là sự phối hợp có trách nhiệm và hiệu quả giữa các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động.
Thủ tướng giao Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật về tổ chức thi hành pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc thực hiện các giải pháp có tính đột phá trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành phải kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng; kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh để sớm đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu, tại phiên họp Chính phủ hàng tháng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải báo cáo công khai những bộ, cơ quan có liên quan nợ đọng văn bản.
Thủ tướng cũng nêu rõ, phải chống cho được lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, bởi chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, cần thiết nhưng chống tham nhũng trong làm chính sách pháp luật càng quan trọng hơn.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật, bố trí nguồn lực thích đáng, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này.
Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại Hội nghị, để sau Hội nghị có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện, thi hành pháp luật trong tình hình mới.