Mùa xuân nào tôi cũng ngồi giữa phố xá và nghĩ về một cành hoa mận.

Tôi không nhớ mình đã thốt lên bao nhiêu lần về cái nỗi nhớ nhung mà tôi dành cho nó. Trong kí ức, những cây mận đều mang thân phận, câu chuyện, gắn liền với những gương mặt mà tôi yêu mến. Và mùa xuân, đúng hơn là cuối đông, những bông mận bắt đầu nở như những giọt nước mắt ở trên cành.

Trước tết Kỷ Hợi này, vài người bạn của tôi đi Hà Giang. Họ hỏi tôi, có muốn họ mang gì của quê hương về Hà Nội cho tôi không? Tôi nói, tôi muốn một cành mận. Nhưng đầu tháng Chạp, mận Hà Giang vẫn chưa nở hoa. Hoa mận sống trong thiên nhiên, nở hay tàn, đậu quả hay rụng quả, đều dựa vào thời tiết. Năm nay có vài đợt rét quá sâu, những bông mận vẫn náu trong thân gầy, chưa chịu nở hoa.

Tôi có thêm một cái tết nữa, nhớ nhung hoa mận.

Tôi nhớ một cô giáo, tận Nàn Ma, Xín Mần – huyện cực tây của Hà Giang. Tháng Chạp một năm nào đấy, đã rất xa, tôi với cô ấy đứng dưới gốc mận đang nở hoa. Tôi tặng cô một thỏi son, khi mà tôi thấy cô khoe thỏi son đã khô cong queo và nứt toác vì cất quá kĩ, quá lâu. Chúng tôi cùng thoa son dưới gốc cây mận ấy. Cô nói về những ngày tháng buồn bã, lê thê trong mưa gió mù trời rét buốt. Người yêu đã bỏ đi lấy vợ, cha mẹ thì ở xa. Nỗi cô đơn dâng ngập trong đôi mắt đen đến nhức nhối của cô. Một vài cánh hoa mỏng tang như mơ đậu trên chiếc khăn len màu đỏ ối cô đang quàng kín từ đầu xuống cổ. Tôi nén tiếng thở dài.

Tôi nhớ là lúc ấy tôi đã thèm xiết bao một hơi thở dài thật là dài. Nhưng tôi đã nhịn đi. Tôi không muốn nó làm trĩu nặng hơn nữa nỗi buồn bã không thể gọi tên của cô gái hai mươi bốn tuổi, đã bốn năm chôn chân ở miền núi.

Một ngày tháng Giêng khác, tôi chở một chị đồng nghiệp trên chiếc xe win của đồn biên phòng, đi ra đường biên. Ngoài ấy có một tổ công tác bốn người. Chiếc xe như con cào cào. Chị túm chặt lưng áo tôi. Mọi người đứng sau lưng nhìn theo chúng tôi bò ra khỏi cổng đồn vừa kinh ngạc, vừa âu lo. Đường rất xấu, đất lầy và trơn. Đường ra vùng biên mới đang rải đá dăm, lổn nhổn, chiếc xe nhảy chồm chồm và kêu khục khặc như phản ứng.

Rốt cuộc, dù có liều mấy tôi cũng đành phải để xe giữa đường, và chúng tôi đi… bộ đến trạm. Trước cửa trạm, có một cây mận. Dưới gốc cây mận, hai con chó vàng óng đang nằm. Chó của lính biên phòng thường thân thiện, hoặc là chúng chỉ thân thiện với… phụ nữ, không rõ nữa. Bọn tôi pha một ấm trà và mang ra ngoài hiên ngồi, hai chị em tôi và bốn người lính. Những câu chuyện với lính biên phòng thường không bao giờ dứt.

Điều kì lạ là, cứ hễ có từ ba đến bốn người là y rằng trong số đó sẽ có một người rất hài hước, hoặc một người biết đàn hát, hoặc một người nấu ăn rất ngon. Chúng tôi nói cười rổn rảng dưới cái nắng mùa đông hiếm hoi. Sắp tết rồi. Vài hôm nữa đồn sẽ tổ chức gói bánh chưng, và anh em các tổ đội chỉ việc về đồn xách bánh chưng ra ăn tết với nhau. Không ai nói ra nhưng nỗi nhớ nhà cứ vương vất trong từng ánh mắt. Trước mặt, con chó cọ lưng vào gốc mận, và những cánh mận lả tả rơi. Một ít hoa mận rụng đi, và quả xanh đã bắt đầu tròn trĩnh nhú ra từ đấy…

Đôi khi tôi nghĩ, trong nỗi ước muốn một cành mận để chơi tết trong nhà, giữa Hà Nội ồn ào náo nhiệt bậc nhất, con người lại cô đơn bậc nhất, nó chứa đựng một nỗi khát thèm khác. Khát thèm một không gian sống, tĩnh lặng nhưng ấm áp; khát thèm một mối giao hòa giữa con người với thiên nhiên; khát thèm những mến yêu vô điều kiện mà dường như nó chỉ có thể có khi cuộc sống còn bần hàn, thiếu thốn… Có lẽ là vậy.

Hoa mận mùa xuân

Hoa mận mùa xuân

Tôi lắng nghe cái giọng buồn rầu của bạn khi thông báo rằng chẳng có cành mận nào để mang về Hà Nội cho tôi cả, và mỉm cười. Thực ra thì không phải tôi không thể tìm cho mình một cành mận. Hà Nội mà, người ta nói chỉ thiếu tiền thôi, chứ thứ gì cũng có hết. Chỉ cần cất công đi một vòng vào các khu chợ hoa, vườn hoa, hoặc ra ngoại thành, vùng Đông Anh, Sóc Sơn… kiểu gì chả tìm được một cành, không to thì bé. Nhưng mà, nghĩ cho kĩ, xét cho cùng, thì có lẽ tôi muốn cành hoa mận ở trong kí ức của mình hơn.

Thảng hoặc, có những nỗi sợ hãi mỏng manh ào đến. Sợ rằng một ngày nào đó, ngay cả những kí ức đẹp đẽ cũng rời bỏ mình mà đi; sợ rằng một lúc nào đó, sự vô cảm sẽ như một dòng nước mạnh mẽ, lấn mất phần trong ngần của những lay động hồn nhiên; Sợ rằng những điều mình vẫn hằng tin yêu sẽ tan biến mất… Và như thế, hãy cứ để cành mận với những cánh mỏng manh trong suốt như sương vỡ ấy nằm yên trong kí ức. Nằm ở đấy thì nó sẽ sống mãi, cựa quậy mãi, và luôn run rẩy thức giấc mỗi khi xuân về.

Tôi từng viết, tôi như cái cây bị nhổ khỏi mảnh đất mà mình đã nảy mầm. Cây thì nhổ đi rồi, nhưng những sợi rễ rất dài và rất mảnh của nó thì vẫn nối với mảnh đất ấy, và luôn cảm thấy từng hơi thở, sự cựa mình, hương thơm, sự ấm áp tuyệt vời của đất. Vậy thì, dù tôi có đi xa bao lâu, một hay hai thập kỷ, hay ba bốn thập kỷ, tôi vẫn luôn có bản thân mình ở nơi ấy. Nơi mà những cây mận luôn nở hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân, đôi khi tận giữa mùa xuân…

Người Tày quê tôi có hội lồng tồng vào rằm tháng Giêng. Khi tôi còn là một đứa bé, cùng với lũ bạn len lỏi giữa đống váy áo lùng bùng của các bà các chị, chen vào tận nơi của tất cả mọi trò. Tít trên một ngọn tre dựng giữa bãi đất, người ta treo một cái vòng tròn quấn hoặc tết bằng vải đỏ. Và các anh thì lăm lăm trong tay những quả còn người yêu mình tết cho. Những quả còn có tua rua nhiều màu. Việc của các anh là làm sao tung còn lọt qua cái vòng tròn màu đỏ ngất ngưởng vắt vẻo trên kia, và mang về cho người yêu một cái… chậu nhôm, hoặc một cái phích nước.

Dưới mảnh ruộng đã được làm sạch những gốc rạ, một chú trâu đồ sộ, đen thẫm, bóng nhẫy đang kéo chiếc cày buộc vải đỏ đi những luống đầu tiên. Một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, gia súc đầy sân đầy chuồng, người già không ốm đau, trẻ con cất tiếng khóc chào đời… trong cái ngày xuân ấy, ai ai cũng chỉ mong cầu có vậy.

Làng nằm sát chân núi. Phía sau những nếp nhà sàn nâu thẫm, khói luôn quẩn lên từ những gộc củi ủ suốt ngày này qua ngày khác, là những cây mận. Ôi, lại là những cây mận. Chúng đều già như người chủ nhà, và luôn cho ra những quả xanh non như trẻ con vào những ngày mùa xuân ấm áp.

Mận ở làng không ngon, quả nhỏ và hơi chua, không ngọt lịm và giòn tan như mận vùng Mông. Bù lại, chúng luôn xanh mướt mát, thân cành đậm đà, trẻ con có thể leo lên ngồi vắt vẻo chẳng bao giờ lo gẫy. Những cây mận tán tròn, trắng tinh, buổi sáng hôm ấy in hằn trên nền của cây rừng xanh thẫm. Thảng hoặc, một đợt gió lay qua, tán cây lại rùng mình buông rơi hàng ngàn những cánh hoa.

Và như thế, tôi vẫn luôn đi qua những mùa xuân xa xôi, xa xôi đến mức tưởng như không có cách nào để quay về, bằng vào những hoài niệm tuyệt diệu ấy. Nỗi nhớ một cánh hoa, khi nó bắt đầu nở hay khi nó rời khỏi cành đều mang tới cảm giác ấm áp, thân thuộc, như là sợi rễ nối với đất kia đang ngân lên những nhịp thở trong veo, yên tĩnh.

Đỗ Bích Thuý

Theo Reatimes.vn