Ảnh minh họa |
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ xây dựng và thưc hiện Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2019 với chủ đề "An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe gắn máy" của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhằm tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5-10% về số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2018; giảm 10% con số thương vong do tai nạn giao thông liên quan đến vận tải hành khách và xe mô tô, xe gắn máy; tiếp tục kiểm soát và kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tập trung vào 8 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân; lấy xây dựng văn hoá an toàn trong cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi công vụ và doanh nghiệp giao thông vận tải làm động lực, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục an toàn giao thông trong trường học với vai trò nêu gương của cha mẹ học sinh và thầy cô giáo; đồng thời phát huy vai trò của văn hoá, nghệ thuật truyền thống gắn với các kênh thông tin hiện đại, mạng xã hội, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của thanh, thiếu niên. Phát huy vai trò các đoàn thể chính trị, xã hội trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), nâng cao hiệu quả các mô hình tự quản về bảo đảm TTATGT tại cơ sở.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn giao thông. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, thuyền viên; đăng kiểm phương tiện; an toàn, an ninh hàng không; quản lý quy hoạch - trật tự xây dựng.
Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu, tổ chức tách làn xe hai bánh với xe ô tô tại những đoạn tuyến quốc lộ có lưu lượng giao thông lớn; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa. Đối với công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông cần tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, rà soát thu hẹp tiến tới xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt. Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải xây dựng danh mục, số liệu cụ thể về xoá điểm đen tai nạn giao thông, xoá lối đi tự mở trái phép qua đường sắt trong năm 2019 và các năm tiếp theo;...
Về một số nhiệm vụ cấp bách, bên cạnh việc xây dựng, tổ chức triển khai Kế hoạch năm an toàn giao thông 2019, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1793/CĐ-TTg ngày 13-12-2018 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân 2019; tổ chức tốt công tác vận tải hành khách, chỉnh trang hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trong dịp Tết; tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm; thực hiện các giải pháp chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tuyến quốc lộ trọng điểm. Trong đó, tăng cường tuyên truyền vận động gắn với xử lý nghiêm đối với người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm đi mô tô, xe máy, xe đạp điện.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ (nhất là các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông) và Ủy ban nhân dân các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 82/CĐ-TTgngày 18-1-2018 về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí BOT; có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng có hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, gây mất an ninh trật tự và an toàn giao thông, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có đầu tư theo hình thức BOT.
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, trong đó chú ý siết chặt các điều kiện về bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt là quy định trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải về quản lý thời gian lao động và khám sức khỏe của lái xe ô tô kinh doanh vận tải, trình Chính phủ trước ngày 31-1-2019.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 25/VPCP-CN ngày 3-1-2019 của Văn phòng Chính phủ liên quan đến các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; kiên quyết không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn, cả trên đường bộ, đường sắt và đường thủy. Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thực hiện nghiêm quy định về khám sức khoẻ định kỳ cho lái xe, trước hết là lái xe có khối lượng lớn, xe công-ten-nơ (hoàn thành trong quý I năm 2019).
Đẩy mạnh vận động các đoàn thể chính trị, xã hội tại địa phương tổ chức mô hình tự quản tham gia cảnh báo, điều tiết, hướng dẫn giao thông tại các vị trí thường xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông, các lối đi tự mở qua đường sắt; đồng thời xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn giao thông, để xảy ra tai nạn tại các lối đi tự mở qua đường sắt.
T.Quang