Giảm cân bằng thực phẩm chức năng có đáng tin?
Đối với một người có thân hình quá khổ thì việc giảm cân là cả mơ ước và nỗ lực. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ kiên trì để giảm cân theo cách tự nhiên như thể dục hay chế độ dinh dưỡng. Và họ tìm đến với các loại thực phẩm chức năng giảm cân để đạt được ước muốn nhanh nhất.
Nhu cầu cao khiến cho thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) giảm cân vô cùng sôi động, vô số các loại từ nội đến ngoại và loại nào cũng được quảng cáo với công hiệu hết sức thần thánh.
TPCN giảm cân ở dòng bình dân có giá dao động từ 250.000 - 450.000đ/hộp, thị trường chuộng nhất là các thương hiệu Lishou, Baschi Hồng Thái, Lida,Yanhee có xuất xứ từ Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc. Với dòng TPCN giảm cân cao cấp thì đắt hơn, có giá từ 590.000 - 2,5 triệu đồng/hộp với rất nhiều nhãn hiệu Super Fat Burner, MeraTrim, 2Day Diet, OxyElite Pro, 3X Slimming Power… xuất xứ chủ yếu từ Mỹ, Úc. Còn cao cấp hơn nữa lên tới cả vài chục triệu đồng.
TPCN giảm cân phủ khắp mọi ngõ ngách, từ các hiệu thuốc cho đến chợ trực tuyến, thương mại điện tử, ... Trên các hội nhóm facebook, nhiều topic về thực phẩm chức năng được lập ra để bàn luận và tham khảo. Một số người cho rằng nó thực sự hiệu quả, nhưng đa phần phản ánh sản phẩm không đúng như mong đợi.
Thêm nữa, người dùng có lẽ phải xem lại khi gần đây có rất nhiều vụ thu hồi thực phẩm chức năng giảm cân trên thị trường do sản phẩm không chất lượng, không rõ nguồn gốc hay quảng cáo sai sự thật,…
Chỉ tính riêng trong tháng 11 vừa qua, Bộ Y tế đã thẳng tay xử phạt và khuyến cáo không sử dụng một số nhãn hiệu TPCN giảm cân bị như: Giảm cân Thảo mộc Hoa Mộc Lâm, trà slim Cường Anh, giảm cân Go Lean, giảm cân chứa chất Sibutramine,...
Phản ánh của người dùng
Hầu như loại thuốc giảm cân nào cũng được "nổ" quảng cáo là ""giảm cân cho những người béo bền vững"; "hiệu quả sụt 6-7kg chỉ trong 5-7 ngày sử dụng"; "giảm cân thần tốc không hại sức khỏe";...
Tuy nhiên, xưa đến nay phản ánh tiêu cực về thuốc giảm cân và nhiều cảnh báo gây hại còn nhiều hơn những "feedback" tốt về nó. Nhưng không hiểu sao người ta vẫn cố gắng tin và mua dùng.
07:10, 07/09/2018Chị Minh Trang (Nhân viên kế toán, Tây Mỗ ) sau khi sinh hai đứa con đã không thể hãm nổi tốc độ tăng cân của mình và tìm đến một loại thực phẩm chức năng giảm cân nội địa. Uống được 1 tuần, hiệu quả giảm rõ rệt. Nhưng sau đó chị luôn có cảm giác mệt mỏi, uể oải và làm việc không có hiệu quả như mong muốn.
Thấy bất ổn, chị ngừng uống nhưng cân nặng lại tăng lên. Sau đó, chị Trang lại nghe lời quảng cáo ngon ngọt về một loại TPCN giảm cân nhập ngoại “không tác dụng phụ, không cần kiêng khem” và mua ngay về dùng. Uống loại thuốc nhập ngoại này, cân nặng cũng có giảm thật nhưng chị gặp vô số vấn đề sức khỏe, còn nặng hơn lần trước như khó chịu, đau bụng, hoa mắt chóng mặt, da xuất hiện nám, rạn và thậm chí là kinh nguyệt không đều, tắc kinh nhiều kỳ.
Đến giờ thì chị Trang thực sự đã tạm biệt thuốc giảm cân và luôn cảnh báo với mọi người về tác dụng phụ của thuốc gây ra khi bất cứ ai nhắc đến các sản phẩm này.
Còn chị Ngân Anh (Hà Nội) cũng vậy. Chị cho biết “Mình đã thử qua hàng chục thuốc giảm cân nhưng không có loại nào thực sự hiệu quả cả, một tuần sau khi ngưng thuốc là cân nặng lại lên. Chính vì vậy mình rút ra kinh nghiệm là chỉ nên giảm cân nhờ vào chế độ ăn uống và thể dục thể thao hợp lý”.
Có người còn phải nhập viện vì dùng thuốc này. Như chị Hà (TP.HCM) cũng đã một phen hết hồn khi phát hiện mình bị bệnh men gan cao sau một lần đi khám tổng hợp. Nguyên nhân bước đầu được xác định là do tác dụng phụ của loại thuốc giảm cân mà chị đang dùng.
Thực phẩm chức năng giảm cân liên tục dính "phốt"
Không chỉ một hai người mà rất nhiều người đã đưa ra phản hồi sau khi dùng các loại TPCN giảm cân. Thậm chí, đó có là sản phẩm giảm cân nhập ngoại cũng chưa chắc đã chất lượng.
Đơn cử là trường hợp cô gái 24 tuổi Yu Jing Ni, người Singapore- cảm thấy đau ngực dữ dội sau khi uống loại thuốc giảm cân mua tại trang mạng trực tuyến. Ngay sau đó, cô được đưa đến Bệnh viện nhưng đã tử vong do ngộ độc dinitrophenol (DNP). Được biết, chất DNP giúp giảm cân nhanh chóng, nhưng kèm theo tác dụng phụ nguy hiểm.
Cơ quan quản lý thuốc Singapore cho rằng hình thức bán thuốc qua mạng giúp con người dễ dàng tiếp cận thuốc từ những nguồn khác nhau. Tuy nhiên, 1/2 số thuốc được bán qua mạng là giả, do vậy người dùng phải vô cùng cẩn trọng.
Còn ở Việt Nam, người phụ nữ tên Nguyễn Thúy Ng. (Sơn La) sau khi uống thuốc giảm cân cũng đã phải nhập viện Bạch Mai. Sau khi bác sĩ lọc máu và chẩn đoán chị bị xơ gan thì chị dần hồi phục. Không lâu sau đó thì chị có dấu hiệu mệt mỏi và cấp cứu tại bệnh viện tỉnh Sơn La nhưng cũng không qua khỏi và đã tử vong.
Với tình hình “loạn” các loại TPCN giảm cân, cuối tháng 8 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cũng đã phải gửi Công văn số 4289/ATTP-SP chỉ định kiểm tra chặt chẽ đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe có công dụng giảm cân.
Ngay cả Cơ quan quản lý thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đưa ra cảnh báo: Nếu bạn đang tự tìm đến các sản phẩm TPCN mà theo quảng cáo sẽ làm cho bạn giảm cân một cách ngoạn mục, đừng nên tin, nếu không bạn có thể vô tình đang tự gây hại đến sức khỏe của chính mình một cách trầm trọng.
Như vậy, những lời quảng cáo của một số loại TPCN giảm cân có vẻ như quá cường điệu và đường mậtvà phần trăm tác dụng thật của nó là quá ít.