Siết chặt thu thuế đối với thương mại điện tử ra sao?

Ở Việt Nam hiện nay đang đẩy nhanh hoàn thiện các quy định, thành lập đơn vị quản lý nhằm siết chặt thu thuế đối với thương mại điện tử.

Sự phát triển bùng nổ cùng nhiều hình thức mới của hoạt động thương mại điện tử đã đặt ra những thách thức mới với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế, nhất là việc người kinh doanh lợi dụng các kẽ hở về quản lý để trốn thuế. Bài toán đặt ra là chống thất thu ngân sách đi đôi bảo đảm công bằng về nghĩa vụ thuế trong lĩnh vực này.

Thông tin mới đây cho biết, gần 1.900 tỷ đồng là số tiền thuế 37 nhà cung cấp nước ngoài nộp qua cổng thông tin điện tử 9 tháng đầu năm. Facebook, Google, TikTok, Netflix đều đã kê khai, nộp thuế.

Việt Nam đang đẩy nhanh hoàn thiện các quy định, thành lập đơn vị quản lý nhằm siết chặt thu thuế đối với thương mại điện tử. (Ảnh minh họa)
Việt Nam đang đẩy nhanh hoàn thiện các quy định, thành lập đơn vị quản lý nhằm siết chặt thu thuế đối với thương mại điện tử. (Ảnh minh họa)

Còn trong nước, 531 tỷ đồng là số tiền thuế từ các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ số. Số tiền còn có thể nhiều hơn nữa.

Có thể nói, Việt Nam là 1 trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua cổng thông tin điện tử trực tuyến. Trong 9 tháng đầu năm nay, 6 nhà cung cấp nước ngoài trên thế giới là Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Bằng Thắng, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, cho biết: "Phải nói rằng là trong quá trình triển khai này, các nhà cung cấp nước ngoài cũng rất tích cực và cũng chủ động phối hợp với cơ quan thuế trong việc tìm hiểu chính sách. Không những thế, chúng tôi còn gián tiếp thông qua các đại sứ quán nơi có các nhà uống nước ngoài hiện diện, cũng như là các tổ chức tư vấn kiểm toán lớn Big Four để thông qua đó vận động, tuyên truyền".

PGS.TS. Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho hay: "Dịch vụ kỹ thuật số, thương mại điện tử và viễn thông chiếm khoảng 8% GDP, trong đó thương mại điện tử và dịch vụ xuyên biên giới chỉ khoảng xấp xỉ 6 % GDP. Năm 2021 chúng ta mới thu được khoảng xấp xỉ khoảng hơn 1.200 tỷ. Năm nay dự kiến thu được khoảng hơn 2.000 tỷ sau khi chúng ta đẩy mạnh. Như vậy chúng ta thấy con số thất thu là nhiều nghìn tỷ".

Hiện các nhà cung cấp nước ngoài đã có trang điện tử để kê khai, nộp thuế riêng. Thống kê hiện nay cho thấy, có tới 3,5 triệu lượt giao dịch 1 ngày qua các sàn thương mại điện tử. Theo quy định, người bán hàng sẽ phải tự đi kê khai và nộp thuế, tuy nhiên không nhiều cá nhân thực hiện nghĩa vụ này. 9 tháng đầu năm, số tiền thu được là hơn 531 tỷ đồng.

Cũng mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất trong tờ trình Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của Nghị định 126, quy định các sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay người bán.

Chống thất thu thuế trong thương mại điện tử ở các nước

Về thu thuế của các doanh nghiệp trong nước, nhiều nước đã quy định trách nhiệm đối với các nền tảng thương mại điện tử trong việc quản lý, truy thu thuế đối với các giao dịch trên nền tảng. Như tại châu Âu, từ giữa năm 2021, bất kỳ nhà bán hàng online, sàn giao dịch thương mại điện tử đều phải đăng ký kinh doanh ở một nước thành viên EU bất kỳ, nếu muốn bán hàng trực tuyến vào EU. Khi bán hàng, người bán hoặc sàn giao dịch phải thu thuế VAT theo mức thuế tại nước của người mua.

Cụ thể như tại Đức, tất cả các nền tảng thương mại điện tử sẽ phải chịu trách nhiệm theo dõi việc tuân thủ thuế VAT của người bán trong và nước ngoài trên nền tảng. Khi phát hiện các hoạt động trốn thuế, cơ quan thuế của Đức sẽ thông báo cho nền tảng để truy thu, hoặc nền tảng này phải chịu trách nhiệm về các khoản truy thu thuế đó.

Tại Anh, các nền tảng thương mại điện tử như eBay, Amazon… có trách nhiệm đảm bảo người bán hàng ở nước ngoài của họ đã đăng ký VAT tại Vương quốc Anh. Các công ty không tuân thủ phải đối mặt với án phạt khoảng 10.000 Bảng Anh, thậm chí có thể bị kết án hình sự.

Hay như một số nước đã thành lập đơn vị chuyên trách về quản lý thuế thương mại điện tử. Tại Nhật Bản, các cơ quan thuế thành lập Tổ quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử bao gồm các chuyên gia công nghệ thông tin, các cán bộ thanh tra có kinh nghiệm lâu năm được luân chuyển từ các cục thuế vùng và chi cục thuế. Cơ quan thuế Hàn Quốc thành lập bộ phận chuyên trách về quản lý thuế nhằm phát hiện ra các nghi vấn trốn thuế trên nền tảng thương mại điện tử.

Còn các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam đang đẩy nhanh hoàn thiện các quy định, thành lập đơn vị quản lý nhằm siết chặt thu thuế đối với thương mại điện tử. Thái Lan đã xây dựng hệ thống tạo lập hóa đơn điện tử đầy đủ thay cho hóa đơn giấy nhằm kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử.

Còn với hàng hóa nhập khẩu qua thương mại điện tử, trong dự thảo của Bộ Tài chính có đề xuất sẽ có thủ tục hải quan riêng cho loại hàng hóa này, nhằm đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa và cũng nhằm ngăn chặn, gian lận về thuế.

Trước khi hàng hóa được chuyển về, toàn bộ các thông tin về lô hàng như: sản phẩm, giá trị giao dịch, thanh toán, địa chỉ… đều được các sàn thương mại điện tử hoặc doanh nghiệp vận chuyển gửi thông tin đơn hàng đến hệ thống của cơ quan hải quan, để cơ quan này phân tích dữ liệu rủi ro trước, dễ dàng phát hiện những lô hàng có dấu hiệu chia tách để trốn thuế.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Hải quan chuyển phát nhanh, Cục Hải quan TP.Hà Nội cho hay: "Khi có thông tin, chúng tôi sẽ dễ dàng lọc ra được những trường hợp trong một ngày cùng một mặt hàng nhưng người ta chia thành nhiều gói nhỏ, để chúng tôi kịp thời có biện pháp ngăn chặn và thực hiện nghiệp vụ thu đủ thuế theo quy định của nhà nước".

Vào các đợt giảm giá, các đơn vị vận chuyển phải khai tới hàng chục nghìn tờ khai rất vất vả. Việc đề xuất có hệ thống riêng cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ thông quan và việc quản lý thuế vẫn được đảm bảo.

Thuế là của nhân dân đóng góp để phục vụ cho lợi ích nhân dân. Chính vì vậy, nộp thuế là quyền lợi, nghĩa vụ của các cá nhân, cũng như doanh nghiệp để đảm bảo sự minh bạch trong kinh doanh.

Nền kinh tế hội nhập tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình khác nhau phát triển, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử. Việc hoàn thiện hệ thống quản lý thu thuế, tăng hiệu quả của thu thuế, đảm bảo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế là điều cần thiết và cấp thiết.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 889 về nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Quy định đã có, hành lang pháp lý sẵn sàng, việc thực hiện chỉ còn cần ý thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định: "Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất thu thuế là do hành lang pháp lý về quản lý hoạt động TMĐT chưa hoàn thiện, quản lý đầy đủ đối tượng nộp thuế, quản lý các nguồn thu, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế, kiểm soát dòng tiền thanh toán".

Theo Kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/thue-thuong-mai-dien-tu-thu-du-bang-cach-nao-72604.html