Có thể nói, đó mới là khu vực kinh tế động lực dài hạn của Việt Nam, chứ không phải là công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong khu vực thương mại - dịch vụ, du lịch là ngành có tỷ trọng GDP cao nhất, cũng là ngành quan trọng nhất, có giá trị lan tỏa rất lớn.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Xu hướng phát triển của Việt Nam: Đi vào dịch vụ

Nếu tính về cơ cấu trong GDP, tỷ trọng ngành thương mại – dịch vụ đang tăng liên tục một cách ổn định. Nếu xét các xu hướng quốc tế, đi vào thương mại - dịch vụ cũng là xu hướng phổ biến hiện nay. Theo khảo sát của chúng tôi, 81 quốc gia đang phát triển đều là những nước đi vào thương mại - dịch vụ. Đặc biệt, những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh lại là những quốc gia đi vào dịch vụ, chứ không phải đi vào công nghiệp.

Điều đó nói lên một điều, thương mại - dịch vụ chính là khu vực kinh tế quan trọng trong bất kỳ nền kinh tế hiện đại nào, bởi nó không chỉ là ngành tạo ra các sản phẩm cuối cùng, mà còn là đầu vào trung gian của các ngành khác. Số liệu của UNCTAD năm 2017 chỉ ra rằng, các nước phát triển đều có tỷ trọng dịch vụ chiếm tới 61 - 76% trong tổng GDP giai đoạn 1980 - 2015.

Ở Việt Nam, giá trị gia tăng bình quân đầu người của khu vực dịch vụ luôn tăng ổn định. Trong khi đó, ở giai đoạn đầu đô thị hóa, giá trị này của khu vực nông nghiệp có xu hướng giảm xuống; khi đô thị hóa mạnh, lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp tăng lên, nên giá trị gia tăng bình quân đầu người của khu vực này cũng tăng lên. Điều đó có nghĩa, năng suất lao động của khu vực nông nghiệp tăng lên, do người lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp nhiều hơn, người lao động ở lại ít dần đi.

Đối với khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trong giai đoạn đầu, giá trị này có xu hướng tăng khá nhanh; nhưng hiện giờ, tốc độ tăng chậm dần và đang có xu hướng giảm. Điều đặc biệt là, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP cũng có xu hướng giảm so với cách đây 20 năm (trước đây khoảng 17%, hiện nay khoảng 14,5%).

Điều đó cho thấy, thương mại - dịch vụ là một xu hướng lớn của thế giới, đồng thời cũng là xu hướng phát triển của Việt Nam. Có thể nói, đó là khu vực kinh tế động lực dài hạn của Việt Nam, chứ không phải là công nghiệp chế biến, chế tạo. Công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là động lực, nhưng là động lực ngắn hạn, trung hạn chứ không mang tính dài hạn.

Một điều khá bất ngờ là, giá trị gia tăng của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo trên một lao động có xu hướng giảm là vì, phần lớn công nghiệp chế biến, chế tạo đều nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài, nhất là công nghiệp chế tạo. Nghĩa là, nền công nghiệp chế tạo đang bị nước ngoài kiểm soát, biến chúng ta thành công xưởng và thị trường tiêu thụ là chính.

Du lịch là mũi nhọn và ưu tiên số 1

Có thể nói, thế mạnh lớn nhất và còn nhiều dư địa khai thác nhất của Việt Nam hiện nay chính là du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng. Về điều kiện tự nhiên, chúng ta có rất nhiều rừng, biển. Dựa trên điều kiện xã hội, đất nước ta có nhiều di sản, nhiều đặc điểm văn hóa, đa dạng dân tộc với những nét văn hóa đặc sắc. Đặc biệt, theo đánh giá của du khách phương Tây, Việt Nam có nét văn hóa ẩm thực vào hàng độc đáo và lành mạnh nhất thế giới. Bởi ẩm thực Việt Nam không gây béo phì, mệt mỏi. Không phải ngẫu nhiên, Philip Kotler - “ông vua” marketing của thế giới - đã nhận xét: Lợi thế lớn nhất của Việt Nam là tự biến mình trở thành bếp ăn của thế giới. Câu nói đó đã được nghiền ngẫm rất kỹ khi ông ta nhận ra rằng, Việt Nam có một văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng, lành mạnh bậc nhất thế giới. Ngoài ra, Việt Nam là một trong số không nhiều các quốc gia còn nhiều nét văn hóa dân gian. Đây là điều hiếm thấy trên thế giới, tạo cơ hội phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch thưởng thức văn hóa, di sản…

Du lịch, nghỉ dưỡng trong tương lai có triển vọng rất lớn. Có nhiều tỷ phú nước ngoài đã nói với chúng tôi, lợi thế lớn nhất của Việt Nam là mặt tiền Biển Đông. Khai thác hiệu quả mặt tiền Biển Đông quan trọng nhất vẫn là du lịch, nghỉ dưỡng. Từng ki lô mét vuông mặt tiền Biển Đông sẽ ngày càng trở nên quý hiếm để dành cho việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng. Điều quan trọng là bây giờ, chúng ta làm sao quy hoạch được bài bản và phát triển được trong tương quan với bảo vệ môi trường, tương quan với khai thác thủy hải sản. Bởi vì chúng ta cần cả hai thứ. Du lịch vừa tạo ra công ăn việc làm nhưng đánh bắt thủy hải sản cũng là một lĩnh vực tạo ra nhiều giá trị.

Cá nhân tôi không ủng hộ việc phát triển công nghiệp ven biển. Những nhà máy lọc dầu, cán thép, luyện kim…, đã trót rồi thì phải làm, nhưng từ nay về sau nên hạn chế. Bởi nó sẽ tạo ra nguy cơ về môi trường rất lớn. Đặc biệt, nó sẽ hạn chế cả hai thứ quan trọng bậc nhất của Việt Nam là khai thác mặt biển để phát triển du lịch và đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản.

Phải khẳng định rằng, trong khu vực dịch vụ, du lịch là ngành có tỷ trọng GDP cao nhất, cũng là ngành quan trọng nhất, có giá trị lan tỏa rất lớn. Chúng ta cũng chưa tính hết GDP của ngành du lịch, ví dụ như: Dịch vụ ăn uống, giao thông vận tải…, góp phần rất lớn cho du lịch nhưng lại không tính vào GDP du lịch, mà tính vào các dịch vụ khác. Du lịch hiện chiếm xấp xỉ 10% GDP, nếu tính đầy đủ sẽ cao hơn.

Trong tương lai, ngành du lịch sẽ có tốc độ tăng trưởng khá ổn định. Dự kiến đến năm 2025, doanh thu du lịch tính thuần vào khoảng 45 tỷ USD.

Mức độ cạnh tranh và triển vọng

Trong khu vực thương mại - dịch vụ, dịch vụ du lịch và dịch vụ tài chính là hai ngành ít bị cạnh tranh nhất.

Có hai ngành bị cạnh tranh nhiều nhất; trước hết, đó là ngành thương mại bán lẻ.

Các nhà bán lẻ lớn của nước ngoài, nhất là từ khu vực Đông Bắc Á, đã có mặt ở Việt Nam. Đối với doanh nghiệp trong nước, có một vài tập đoàn thương mại bán lẻ, nhưng nhìn chung chưa mạnh. Điều đó cho thấy, cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực này khá khốc liệt, với nhiều thương hiệu lớn trên thế giới. Họ không chỉ có ở thành phố lớn, mà đang mở rộng phạm vi hoạt động đến các tỉnh lẻ. Do đó, dứt khoát phải có sự hỗ trợ của Chính phủ để thương mại bán lẻ tiếp tục tăng trưởng.

Ngành bị cạnh tranh gay gắt thứ hai là dịch vụ ăn uống. Nhà hàng Nhật Bản, Hàn Quốc đang nở rộ khắp nơi và được người Việt Nam đón nhận. Dần dần, có thể có thêm những đại gia khác, như thức ăn nhanh của Mỹ, xuất hiện và chiếm lĩnh thị phần, nhất là đánh vào thị hiếu của giới trẻ. Trong khi đó, các doanh nghiệp của Việt Nam trong lĩnh vực ăn uống phát triển rất kém, thường na ná cấu trúc sản phẩm nước ngoài.

Phát triển theo hướng thương mại - dịch vụ

Thương mại dịch vụ là một lợi thế của Việt Nam. Lợi thế đó đến từ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, di sản, nông nghiệp, người tiêu dùng đông, trẻ, sức mua lớn, tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh...

Cần phát huy thương mại, dịch vụ để hỗ trợ và làm nền tảng cho phát triển công nghiệp và công nghệ. Bởi công nghệ, công nghiệp còn rất mới mẻ. Thương mại, dịch vụ có cơ sở hơn, nền tảng vững vàng hơn, nhiều lợi thế hơn.

Việt Nam nên lựa chọn con đường phát triển kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ. Chúng ta nói đến công nghiệp hóa hơn 20 năm nay rồi, nhưng thực tế nền kinh tế lại đang đi vào thương mại - dịch vụ, và phụ thuộc vào sự phát triển của khu vực thương mại - dịch vụ. Hơn 20 năm, chúng ta chưa có một thương hiệu, sản phẩm công nghiệp đẳng cấp, ngoại trừ Vinfast.

Thực chất, gia công, lắp ráp không được coi là công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều đó chỉ hàm chứa việc chúng ta đang xuất khẩu hộ cho các hãng công nghiệp độc quyền mà thôi.

Trên thực tế ở Việt Nam, lĩnh vực thu hút nhiều lao động nhất chính là thương mại - dịch vụ. Trong hơn 20 năm vừa qua, chúng ta tạo ra được hơn 20 triệu việc làm mới thì trong đó, khu vực thương mại - dịch thu hút tới 14 triệu. Cũng trong hơn 20 năm qua, tín dụng dành cho ngành công nghiệp loay hoay trong khoảng 10 - 11%, hiện giảm xuống còn 8 - 9%; ngành nông nghiệp cũng rất thấp, chỉ khoảng 9%; còn lại, khoảng 80% tín dụng đổ vào khu vực thương mại - dịch vụ (hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả dịch vụ cho công nghiệp – điện, nước…; dịch vụ cho nông nghiệp…).

Nếu tính như vậy, hơn 20 năm tăng trưởng vừa qua của Việt Nam là tăng trưởng theo hướng thương mại - dịch vụ, và chắc chắn những năm tới đây sẽ đi theo hướng này – xu hướng hợp lý nhất và phù hợp với nhiều nước có tăng trưởng cao trên thế giới.

Một số khuyến nghị

Đánh giá một cách khách quan, mức độ tăng của ngành thương mại - dịch vụ trong tổng sản phẩm quốc nội vẫn còn hạn chế, chưa tướng xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu của nền kinh tế đối với lĩnh vực này.

Do đó, Chính phủ cần xây dựng một chiến lược dài hạn về phát triển thương mại - dịch vụ. Chiến lược này phải xoay quanh ít nhất 6 cấu phần quan trọng như sau:

Thứ nhất, quy hoạch lại quy mô, cơ cấu, định hướng phát triển thương mại - dịch vụ, hướng vào từng lĩnh vực quan trọng như du lịch, tài chính ngân hàng, thương mại bán lẻ, dịch vụ khác…

Thứ hai, phải có hệ thống pháp lý hoàn thiện để hỗ trợ cho sự phát triển của ngành thương mại - dịch vụ. Cần định hướng dứt khoát nền kinh tế đi theo hướng thương mại - dịch vụ, chứ không phải công nghiệp hóa hoặc nửa nọ nửa kia. Bởi nếu không sẽ làm phân tán nguồn lực. Vấn đề quan trọng nhất là tập trung nguồn lực tài chính, tài nguyên và con người cho lĩnh vực thế mạnh.

Thứ ba, phải tạo điều kiện cho những ngành chủ đạo của thương mại - dịch vụ có lợi thế cạnh tranh so sánh so với những đối thủ nước ngoài. Tức là, phải có chính sách bảo hộ thực sự, kín kẽ, yểm trợ, hạn chế được những cạnh tranh tiêu cực từ bên ngoái. Ví dụ, không nên mở toang cửa cho ẩm thực nước ngoài tràn vào thị trường trong nước để tận dụng và chiếm lĩnh thị hiếu sính ngoại của giới trẻ. Vì như vậy, ẩm thực Việt sẽ ngày càng mai một. Lĩnh vực văn hóa cũng vậy. Ca nhạc, nghệ thuật dân tộc sẽ mai một dần đi trong khi phim, điện ảnh Hàn Quốc, Mỹ lại tràn ngập là điều đáng bàn.

Cần có chính sách để bảo hộ cho một số lĩnh vực, ưu tiên cho nhà đầu tư trong nước, ví dụ bán lẻ, tài chính ngân hàng, du lịch… Cần coi đó là những dạng kinh doanh có điều kiện. Nếu mở cửa quá dễ dãi sẽ khiến các doanh nghiệp ngoại cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường; khi đó, ai sẽ mua sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Việt Nam.

Do đó, cần có một hệ thống chính sách cụ thể, nhằm bảo vệ cho doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ.

Thứ tư, phát triển năng lực thể chế của các doanh nghiệp tham gia vào khu vực này. Ngoài chuyện quy mô, phạm vi, cần quan tâm đến việc quản trị. Lâu nay, doanh nghiệp Việt thường quản trị không chuyên nghiệp hoặc phải thuê người nước ngoài làm. Do đó, phải có một chiến lược thực sự, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Thứ năm, khơi dậy giá trị văn hóa hỗ trợ cho ngành thương mại - dịch vụ. Ngành thương mại - dịch vụ khác với các ngành sản xuất công nghiệp ở chỗ, người làm dịch vụ tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng dịch vụ. Do đó, văn hóa vô cùng quan trọng. Phải có một văn hóa dịch vụ hiện đại. Đó là thông tin rõ ràng, công khai minh bạch, không phải nói một đằng, làm một nẻo. Tiếp theo là văn hóa bán hàng; văn hóa hậu mãi, bảo trì, bảo hành rõ ràng. Cuối cùng là văn hóa thanh toán: Có thể thanh toán bằng tiền mặt, phi tiền mặt nhưng nhìn chung, thanh toán trong thương mại - dịch vụ của Việt Nam còn quá lạc hậu so với các nước khác.

Cuối cùng là quan tâm và có chiến lược trong giáo dục - đào tạo. Các trường khối kinh tế, thương mại, du lịch cần định hướng đào tạo hướng theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Sinh viên hiện còn quá xa lạ với PR, maketting online, quản trị thương hiệu…

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa/Đô Thị Mới