Theo nghiên cứu mới đây của Q&Me Việt Nam, thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm qua đã tăng 40% trong khi tốc độ phát triển của thị trường bán lẻ nói chung duy trì ở mức 10%.
Tại khảo sát thường niên lần 2 do Q&Me thực hiện, thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đang có 5 xu hướng chính.
Thứ nhất, số lượng người dùng ứng dụng di động gia tăng.
Đây là 1 trong những xu hướng phải kể đến đầu tiên trong 5 xu hướng chính của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam.
Khảo sát của Q&Me cho thấy, tỷ lệ người mua hàng trực tuyến đã tăng từ 40% năm 2016 lên 52% trong năm 2017. Đây có thể là một xu hướng tất yếu của nhóm người đã từng có thói quen mua hàng qua trình duyệt web.
Có thể thấy, sau khi người tiêu dùng tin tưởng vào cửa hàng, mức độ mua hàng sẽ thường xuyên hơn và người dùng cảm thấy thoải mái hơn khi mua hàng qua ứng dụng di động.
Xu hướng thứ 2 chính là cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá.
Theo đó, số lượng cửa hàng bán hàng trực tuyến ngày một gia tăng và giá sản phẩm là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên xu hướng.
Thực tế cho thấy, 51% người được hỏi trả lời rằng họ mua hàng trực tuyến bởi vì “giá thành tốt”. Đây là một bước nhảy vọt từ tỉ lệ 27% của năm ngoái.
Qua đó để thấy mức độ cạnh tranh càng cao, thị trường càng trở nên tập trung về giá thành sản phẩm.
Xu hướng 3 là sự phổ biến của Shopee.
Song hành cùng nhu cầu mua sắm trực tuyến thì các shop thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến và gia tăng về số lượng.
Hiện Shopee đang dẫn đầu và trở thành trang thương mại điện tử phổ biến thứ 2 trong danh mục thời trang và chăm sóc sắc đẹp.
Đặc biệt, cái tên này đã trở thành quen thuộc với nhóm tiêu dùng nữ giới. Cụ thể, 14% cho rằng Shopee là shop bán hàng thời trang trực tuyến với tỉ lệ nữ giới là 19% và nam giới là 9%.
Bên cạnh đó, Q&Me cũng chỉ ra rằng đã có sự gia tăng không nhỏ về số lượng các cửa hàng thương mại điên tử hoạt động theo tổ chức cá thể, đặc biệt trong danh mục chăm sóc sắc đẹp.
Xu hướng thứ 4 là sự bùng nổ của thương mại mạng xã hội (social commerce).
Đây là xu hướng tất yếu khi nhu cầu của thương mại mạng xã hội, mua hàng trực tuyến qua Facebook hay Zalo, gia tăng.
Khảo sát trên 1.000 ứng viên tại Hà Nội và TPHCM của Q&Me cho thấy 66% người mua hàng online đã mua hàng qua Facebook, tăng mạnh so với con số 47% trong năm 2016.
Một con số cũng rất đáng chú ý là có tới 62% người tiêu dùng cho rằng mua hàng qua mạng xã hội “thú vị hơn” mua hàng qua các trang web bán hàng trực tuyến thông thường.
Xu hướng cuối cùng chính là phương thức thanh toán COD - vẫn chiếm tỷ trọng lớn và là phương thức thanh toán phổ biến nhất với tỉ lệ 88% sử dụng. Một trong những nguyên nhân khiến cho COD trở thành "thói quen" của người mua hàng chính là do việc tạo ra sự "tự do" cho người tiêu dùng.
Mặc dù phương thức vận hành quá trình mua hàng trực tuyến đã có một số tiến bộ và cải thiện đối với trải nghiệm người tiêu dùng khi mà 67% người trả lời cho rằng tốc độ giao hàng cải thiện hơn so với một năm về trước.
Tuy nhiên, những vấn đề về huỷ đơn hàng vẫn còn cao tại Việt Nam, cụ thể có tới 36% đã từng huỷ đơn hàng trực tuyến - đây là tỷ lệ rất cao nếu so với các nước khác.
Ngoài ra, con số đáng ngạc nhiên khác khi nhìn vào lý do lớn nhất cho việc huỷ đơn hàng là “thay đổi quyết định” (33%), các đơn hàng bị huỷ là do cảm giác của người tiêu dùng.
Nhìn chung, mua hàng trực tuyến đang phát triển ở Việt Nam nhưng sự thâm nhập của thương mại điện tử vẫn thấp hơn 2% so với Trung Quốc, Nhật Bản hay Mỹ. Thương mại điện tử hiện vẫn còn có nhiều cơ hội phát triển và việc cải thiện phương thức thanh toán có thể là một trong những giải pháp hiệu quả