Tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp

Chủ trì Hội nghị "Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 có xu hướng chững lại.

Cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 có xu hướng chững lại
Cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 có xu hướng chững lại

Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc.

Năm 2021 so với năm 2020, nhiều chỉ số giảm điểm hoặc giảm bậc, như: Đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ thứ 42 xuống 44); Phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 49 xuống 51); Quyền tài sản giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 78 xuống 84); Cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc (từ thứ 96 xuống 104).

Do vậy, nhiệm kỳ này, Chính phủ tiếp tục ban hành hằng năm Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vào đầu năm mới như thông lệ, thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với DN.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, điểm mới của năm nay là Nghị quyết đã bổ sung vào trọng tâm cải cách các nhiệm vụ phù hợp với đòi hỏi thực tiễn. Cụ thể là, chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân, DN phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19; đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai. Đồng thời, tập trung hơn vào các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ với cải cách hành chính và tạo lập thể chế khuyến khích đổi mới, sáng tạo.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, nếu chúng ta cải cách ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì sẽ không còn điều kiện kèm theo, cũng như thủ tục hành chính kèm theo. Đây chính là cái gốc để chúng ta tạo ra sự thay đổi về môi trường kinh doanh. Thứ hai là chúng ta tập trung vào cải cách quyền tài sản, khi quyền tài sản của người dân được đảm bảo thì tự do kinh doanh sẽ tốt hơn.

Giải pháp để triển khai hiệu quả Nghị quyết

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định trong bối cảnh DN gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững. Đây sẽ là những trợ lực hữu hiệu cho DN phục hồi và phát triển.

Chuyên gia kinh tế, Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh cải cách, cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh đang trở nên quan trọng, cần thiết hơn bao giờ hết, là yếu tố quan trọng đối với phục hồi, gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong và sau đại dịch. Cộng đồng DN đã chịu tác động nặng nề của dịch bệnh và đang cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn cũng như giảm chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh.

Về giải pháp, chuyên gia kinh tế, Nguyễn Đình Cung đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan khi ban hành văn bản pháp luật mới hay sửa đổi, bổ sung văn bản hiện có không được đặt thêm các rào cản, không được đi ngược lại những cải cách đã làm trong thời gian qua; yêu cầu các bộ ngành, địa phương giải quyết ngay theo thẩm quyền các vấn đề, sửa đổi ngay các quy định đang gây khó khăn, tốn kém cho đầu tư, kinh doanh.

"Nên có các giải pháp có thể ngắn hạn, nhưng giải quyết được ngay các vấn đề của DN. Chính phủ nên tập hợp giải quyết, không được tất cả thì cũng được một số vấn đề để tạo nên niềm tin rằng Chính phủ đang thực sự đồng hành với DN", Chuyên gia kinh tế, Nguyễn Đình Cung, nêu ý kiến.

Để Nghị quyết 02/NQ-CP thực sự có hiệu quả trong thực tế, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, đề xuất Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương công khai kết quả cải cách hành chính theo chuyên đề để các hiệp hội và người dân có thể cùng theo dõi, góp ý.

Bên cạnh đó, phía Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cũng kiến nghị một số giải pháp để triển khai hiệu quả Nghị quyết, như: Dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, khác biệt của các quy định pháp luật.

Đồng thời, tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19 bằng những động thái cụ thể; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích DN khởi nghiệp sáng tạo.
 

Theo Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tiep-tuc-day-manh-cai-cach-cai-thien-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-280466.html