Quảng trường Cách mạng tháng Tám vắng vẻ trong những ngày cách ly xã hội. Ảnh: Thanh Hải |
Khi đánh giá về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, nhiều ý kiến đã nhận định, cách ly xã hội chính là một trong các yếu tố quyết định góp phần đem lại những hiệu quả về y tế, sau đó là về xã hội. Cách ly toàn xã hội, đóng tất cả cửa hàng không thiết yếu, dừng vận tải công cộng, quy định cự ly tiếp xúc giữa người với người là 2m… là giải pháp căn cơ, rất quan trọng để góp phần ngăn dịch lây lan ra cộng đồng và lây chéo. Đây là giải pháp mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ đã nhận được sự ủng hộ, thực hiện tốt của người dân cả nước.
Việc có tiếp tục kéo dài “lệnh” cách ly toàn xã hội sau thời điểm 15/4 hay không đang là một câu hỏi được nhiều người đặt ra. Trong khi dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu. Đặc biệt trong cộng đồng vẫn còn tồn tại những người nhiễm nhưng chưa có biểu hiện, triệu chứng và có thể chưa được phát hiện, nên việc tiếp tục kéo dài việc giãn cách xã hội vẫn là giải pháp nhận được sự đồng tình. Tuy nhiên, việc cần tính đến những ảnh hưởng về đời sống xã hội cũng là vấn đề được nhiều ý kiến đặt ra và cho rằng, thay vì giãn cách xã hội tuyệt đối trong cả nước, nên xem xét thực hiện việc cách ly xã hội theo tình hình dịch của từng nhóm địa phương.
Một trong những giải pháp đang được các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất và cũng nhận được sự đồng tình là phân các địa phương ra làm các nhóm dựa trên tình hình dịch để có áp dụng những giải pháp giãn cách xã hội phù hợp nhất, để vừa kiểm soát dịch bệnh, nhưng cũng vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, với nhóm địa phương đang có các ca nhiễm và tiềm ẩn những nguy cơ cao thì phải tiếp tục thực hiện cách ly xã hội theo hướng quyết liệt và nghiêm khắc hơn nữa. Đi kèm đó là các giải pháp xử lý mạnh người vi phạm để răn đe, ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng, tạo cơ hội để khoanh vùng, dập các ổ dịch nếu phát sinh. Với các địa phương nguy cơ thấp hoặc chưa có nguy cơ thì xem xét hạn chế việc giãn cách xã hội toàn bộ mà chỉ thực hiện một số biện pháp cần thiết phòng chống dịch, phù hợp thực tiễn địa bàn. Trong đó, có nhiều giải pháp các địa phương cũng đang thực hiện như kiểm soát y tế ở các cửa ngõ ra vào địa phương, đầu mối giao thông, tăng cường khai báo y tế, dừng các hoạt động tụ tập đông người…
Việc áp dụng giải pháp giãn cách xã hội cụ thể nào chắc chắn sẽ được Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng tính toán, cân nhắc trên cơ sở các yếu tố cụ thể. Tuy nhiên, điều được nhấn mạnh hơn cả là phải hình thành thói quen phòng tránh dịch bệnh trong mỗi người dân, không ai được phép chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; vẫn cần tuân thủ những quy định phòng dịch tối thiểu nhất là đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, khai báo y tế trung thực... Bởi dù có là “mệnh lệnh”, nhưng chỉ cần một vài người không tuân thủ, lơi lỏng sẽ dễ vỡ trận, biến nguy cơ thấp thành nguy cơ cao trong thoáng chốc.