Theo đó, dự thảo đề xuất tiếp tục giảm 50% LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Bộ Tài chính cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh dịch COVID-19, ngày 28/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020. Theo đó, mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020 bằng 50% mức thu LPTB đối với ô tô quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2019 về LPTB. Việc điều chỉnh giảm 50% mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP đã mang lại những tác động tích cực. Cụ thể, đối với người tiêu dùng: Góp phần trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu ô tô, làm tăng khả năng tiếp cận sản phẩm ô tô của người dân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập trung bình cao, từ đó khuyến khích nhu cầu sở hữu xe của người dân và kích cầu tiêu dùng.
Đối với nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước: Hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cũng như nối lại chuỗi cung ứng, gia tăng sản xuất.
Tuy nhiên, đến nay, dịch COVID-19 tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, số ca nhiễm mới đã thấp hơn mức đỉnh dịch nhưng vẫn ở con số cao. Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng đang đe dọa nghiêm trọng đến các ngành sản xuất, trong đó có ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Xuất phát từ nguyên nhân lượng xe tồn kho cao, công suất thấp do không thể duy trì số lượng người lao động và sức mua trong nước sụt giảm mạnh. Dự báo của các doanh nghiệp cho thấy, thị trường ô tô không chỉ bị ảnh hưởng nặng nề trong năm 2021 mà có thể còn kéo dài sang các năm tiếp theo.
Do đó, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, kích cầu tiêu dùng, trên cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và qua những tác động tích cực của việc giảm 50% mức thu LPTB năm 2020 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước việc trình Chính phủ dự án Nghị định quy định giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là cần thiết và phù hợp.
Tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Để thực hiện được mục tiêu, quan điểm đã nêu trên, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, trên cơ sở ý kiến của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 20/10/2021, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ quy định mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu hiện hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2021, cụ thể như sau:
1. Từ ngày ... tháng ... năm 2021 đến hết ngày ... tháng ... năm 2022: Mức thu LPTB lần đầu bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP về LPTB; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu LPTB tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
2. Từ ngày ... tháng ... năm 2022 trở đi: Mức thu LPTB lần đầu tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP về LPTB; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu LPTB tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Bộ Tài chính dự kiến thời gian thực hiện chính sách và hiệu lực thi hành của Nghị định từ ngày 15/11/2021 đến hết ngày 15/5/2022. Tuy nhiên, trường hợp Nghị định được Chính phủ ký ban hành sau ngày 15/11/2021, Bộ Tài chính trình Chính phủ thời gian thực hiện và hiệu lực thi hành của Nghị định được quy định từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.
Do đó, tại dự thảo Nghị định trình Chính phủ, Bộ Tài chính đang để trống ngày có hiệu lực như nêu trên.
Đánh giá tác động của chính sách này, Bộ Tài chính cho biết, việc tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ có những tác động tích cực như: Kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản; tác động thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tác động tăng tổng thu NSNN (mặc dù việc giảm 50% mức thu LPTB sẽ làm giảm số thu LPTB theo chính sách, nhưng do số lượng xe ô tô tiêu thụ tăng lên nên tổng số thu NSNN về LPTB, thuế TTĐB, thuế GTGT vẫn tăng lên). Theo thống kê trong 6 tháng cuối năm 2020, số thu LPTB giảm theo chính sách là 7.314 tỷ đồng nhưng tổng số thu NSNN tăng 14.110 tỷ đồng).
Nguồn: https://baodansinh.vn/de-xuat-tiep-tuc-giam-50-le-phi-truoc-ba-doi-voi-o-to-san-xuat-lap-rap-trong-nuoc-20211030165110.htm?fbclid=IwAR1GwNJKFKWRRWiDFQMRK558OoEbSdQADNyNVXBlchcdAr4MF0MyF-RvR7A