Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ I (Tổng cục Đường bộ VN) - Đơn vị được giao quản lý, bảo trì mặt cầu đường bộ cầu Thăng Long cho biết, ngày hôm qua (10/6), những vị trí hư hỏng này đã được đơn vị sửa chữa xong.
Cụ thể, theo ông Hà, từ tháng 1/2019 đến nay Cục Quản lý đường bộ I đã đôn đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 236 thực hiện việc duy tu bảo dưỡng thường xuyên và đảm bảo ATGT trên mặt cầu Thăng Long.
Đến thời điểm hết tháng 5/2019, Cục Quản lý Đường bộ I đã chỉ đạo thực hiện vá ổ gà, cào bóc các vị trí trồi lún, hằn sâu trên mặt cầu nhằm đảm bảo ATGT với khối lượng hơn 1.300m2. Từ ngày 1 - 10/6 do thời tiết nắng nóng, sau đó mưa to nên mặt cầu Thăng Long tiếp tục bong bật lớp thảm mặt cầu.
Những vị trí trên hư hỏng trên mặt cầu Thăng Long đã được Cục Quản lý Đường bộ I sửa chữa xong vào ngày hôm qua (10/6)
"Trong ngày 9/6 và rạng sáng 10/6, nhà thầu quản lý, bảo trì mặt cầu đường bộ cầu Thăng Long đã thực hiện xong việc vá ổ gà để đảm bảo ATGT trên mặt cầu Thăng Long với khối lượng hơn 510 m2. Như vậy, từ đầu năm đến nay, hơn 1.800m2 hư hỏng mặt cầu đã được xử lý", ông Hà cho biết.
Cũng theo ông Hà, việc sửa chữa những vị trí hư hỏng chỉ là giải pháp trước mắt đảm bảo êm thuận cho mặt cầu, đảm bảo ATGT. Về lâu dài, Tổng cục Đường bộ VN đang giao Ban Quản lý dự án 3 lập dự án, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để sửa chữa tổng thể mặt cầu Thăng Long, trong đó có sự tham gia "hiến kế" của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.
Báo Tiền Phong đưa tin trước đó, hơn hai tuần qua, mặt cầu Thăng Long lại xuất hiện nhiều vết nứt, ổ gà, sống trâu nham nhở. Tại vị trí ô lan can từ số 83 đến số 85 có khoảng 100 mét mặt cầu vẫn xuất hiện các vết nứt mạng nhện. Từ các vết nứt này, khi gặp trời mưa cộng với xe tải chạy qua, nền nhựa bong tróc, tạo thành những ổ gà; với trời nắng mặt nhựa sẽ đùn lên thành ụ sống trâu, rất nguy hiểm cho phương tiện qua lại. Tại các vị trí ô lan can số 81, 83 và 85 (giữa cầu), mặt nhựa đường nhiều đoạn bị xô lệch, trồi lên tạo thành những ổ gà ứ đọng nhiều nước mưa. Với đoạn qua ô lan can số 83, nhiều vị trí nhựa đường bị xô lệch và trơ cả bản thép dầm cầu bên dưới.
Đây là nguyên nhân khiến nhiều phương tiện khi đi lên cầu Thăng Long không biết được mặt cầu đang hư hỏng, xẻ rãnh nên vẫn chạy với tốc độ 80 km/h. Hậu quả khi phát hiện sự cố, phanh gấp hoặc không xử lý kịp, va chạm, tại nạn giao thông đã xảy ra.
Nguồn: http://baodansinh.vn/tiep-tuc-sua-chua-mat-cau-thang-long-d99222.html