Trong khi cả hệ thống chính trị đang căng mình, phòng chống dịch Covid-19, thì vẫn có không ít đối tượng cố tình chống đối, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Những hành vi xem thường pháp luật này khiến dư luận không khỏi bức xúc và yêu cầu phải có biện pháp xử lý cứng rắn.
Gia tăng trường hợp vi phạm
Từ khi có sự khởi phát của dịch Covid-19 đến nay, nước ta đã khi nhận nhiều trường hợp có hành vi vi phạm về phòng chống dịch. Đáng nói, những trường hợp phạm tội này này đang có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chống dịch trên cả nước.
Mới đây, ngày 5/4, trên địa bàn thành phố Hải Dương đã xảy ra một sự việc nghiêm trọng liên quan tới việc chống người thi hành công vụ trong công tác chống dịch Covid-19.
Cụ thể, sáng ngày 5/4, tổ công tác của UBND phường Nhị Châu tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng dịch đến các hộ dân và những người bán hàng rong tại địa phương. Quá trình làm nhiệm vụ, tổ công tác yêu cầu bà T.T.C (SN 1957, thường trú tại khu 3, phường Nhị Châu) thực hiện đúng các quy định về việc bán hàng đảm bảo vệ sinh và bày bán đúng nơi quy định. Bà C. đã nghiêm túc chấp hành.
Khi tổ công tác đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thì Trần Xuân Sơn (con trai bà C.) đi đến chửi bới rồi cầm dao bầu dài 30cm khống chế ông Đoàn Văn Thuận, Chủ tịch UBND phường Nhị Châu, là thành viên đoàn công tác.
Ngay lập tức, Trung tá Nguyễn Công Thành – Trưởng Công an phường Nhị Châu lao vào khống chế Đoàn Văn Thuận. Với sự giúp đỡ của người dân, lực lượng chức năng đã bắt giữ được đối tượng này.
Nhiều trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống dịch Covid-19 (Ảnh: Đ.L) |
Cùng ngày 5/4, tại tỉnh Quảng Ninh, Công an huyện Tiên Yên cũng tạm giữ hình sự đối tượng Đào Xuân Anh vì hành vi tấn công và làm bị thương 2 người của tổ công tác phòng, phòng chống dịch.
Trước đó, khoảng 16h ngày 4/4, Nguyễn Văn Năm (sinh năm 1992, trú tại thôn Khe Cạn, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên) điều khiển xe môtô biển kiểm soát 14B7-605.08 chở theo sau Đào Xuân Anh không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang.
Khi đến chốt kiểm soát số 7 về phòng, chống dịch Covid-19 thuộc thôn Đông Ngũ Kinh, xã Đông Ngũ, tổ công các đã yêu cầu 2 trường hợp trên kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, đồng thời nhắc nhở cả hai chấp hành việc đội mũ bảo hiểm và đeo khẩu trang theo đúng quy định.
Đối tượng Đào Xuân Anh không những không chấp hành các quy định, yêu cầu của tổ công tác mà còn có những lời lẽ lăng mạ, chửi bới, đe dọa và dùng mũ cối tấn công và làm bị thương 2 người trong tổ công tác đang làm nhiệm vụ. Sau khi tấn công lực lượng làm nhiệm vụ, đối tượng Đào Xuân Anh tiếp tục lăng mạ, chửi bới xúc phạm, đe dọa các thành viên trong tổ công tác, rồi cả hai quay xe bỏ đi.
Nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân, Công an huyện Tiên Yên phối hợp cùng Công an các xã Đông Ngũ, Đông Hải có mặt ngay tại hiện trường để điều tra, xác minh và đưa các đối tượng liên quan về làm việc.
Trước đó ngày 4/4, một người phụ nữ tại Hải Phòng có hành vi tự giật khẩu trang và tát công an khi được yêu cầu đo thân nhiệt cũng khiến nhiều người không khỏi bức xúc.
Cần xử lý hình sự để đảm bảo tính răn đe
Không chỉ dừng lại ở hành vi chống người thi hành công vụ trong công tác phòng chóng dịch mà trong thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành phố đã xảy ra rất nhiều trường hợp trốn cách ly, chống đối cách ly, khai báo y tế gian dối, không tuân thủ về cách ly.
Đáng nói, những hành vi này đều có tính chất nguy hiểm, gây hại tới xã hội, đặc biệt là đối với việc phòng chống dịch bệnh, thế nhưng, rất hiếm trường hợp bị xử lý hình sự. Phần lớn các vụ việc đều được xử lý ở mức cảnh cáo, tuyên truyền và xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, trong bối cảnh bệnh dịch đang diễn biến phức tạp, việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch có ý nghĩa quan trọng, vừa nghiêm trị các hành vi sai trái, vừa mang tính răn đe, ngăn chặn, tuyên truyền để người dân thực hiện đúng các yêu cầu, quy định của các cơ quan chức năng.
Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng về phòng chống dịch Covid-19 sẽ bị xử lý hình sự (Ảnh: T.P) |
Trước yêu cầu cấp thiết cần phải sử lý hình sự một số vụ việc để tăng tính răn đe, mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-VKSTC về tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong xử lý tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Viện trưởng VKSND Tối cao yêu cầu Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND và Viện kiểm sát quân sự các cấp khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp để phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi phạm tội liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Các hành vi được tập trung xử lý gồm: Không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng (như hành vi trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly…);
Vi phạm quy định ở nơi đông người gây thiệt hại do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ 100.000.000 đồng trở lên; Đưa ra những thông tin bịa đặt, không đúng sự thật về dịch bệnh gây hoang mang, lo lắng trong xã hội hoặc nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm trục lợi (như hành vi đầu cơ, buôn lậu; làm giả hàng hóa, lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tham nhũng hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng;…); chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng.
Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng nhấn mạnh, trước mắt, Viện kiểm sát phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp thống nhất chọn một số vụ việc điển hình để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhằm đáp ứng yêu cầu răn đe, giáo dục chung, góp phần hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
Chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp để xử lý nhanh chóng những hành vi phạm tội liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, áp dụng ngay thủ tục rút gọn đối với các vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự. Đối với những vụ án không áp dụng thủ tục rút gọn thì khẩn trương tiến hành các hoạt động tố tụng để xử lý trong thời hạn ngắn nhất.
Ngày 6/3, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện, khẩn trương xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Nhất là các hành vi vi phạm không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch; chống đối người thi hành công vụ phòng, chống dịch; đưa tin sai không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội; tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng; sản xuất hàng giả, đầu cơ găm hàng, tăng giá trái pháp luật, gian lận thương mại, gây bất ổn thị trường...; nếu có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý về hình sự. Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành điều tra, xem xét, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự. Các Bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình và kết quả thực hiện, gửi Bộ Y tế trước ngày 15/4/2020. Bộ Y tế tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 17/4/2020. |