Trái cây tươi, mẫu mã đẹp như xoài, vải, thanh long… cũng bị phát hiện tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đành quay về nhờ thị trường nội địa “giải cứu”. Thực tế này đã và đang khiến không chỉ doanh nghiệp thiệt hại mà nông sản Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ mất uy tín trên thị trường quốc tế.
Như bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao từng phát biểu, cho tới nay vẫn không dễ tẩy xóa định kiến về dư lượng hóa chất đối với mặt hàng nông sản.
Theo bà Hạnh, nông sản Việt bị định kiến của khách mua hàng quốc tế về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đến nay nông sản Việt mới chỉ có chừng 5% là đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chúng ta cần một chính sách thực sự khuyến khích nông dân làm tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn và chất lượng.
Ngoài ra, theo bà Hạnh, có một số vấn đề về thị trường rất đáng quan tâm, đó là thiếu thông tin thị trường và khả năng xử lý thông tin này từ cơ quan quản lý Nhà nước đến doanh nghiệp, nông dân đều yếu.
Đến nay, khi chỉ còn hơn 10 ngày nữa là Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Thời gian qua, những bài học kinh nghiệm đã được cả doanh nghiệp và nhà sản xuất cung cấp “khắc cốt ghi tâm”. Nhưng một thực tế mà ngành nông sản đang áp lực nhất và luôn ở thế “bị động” vẫn là vấn đề về dư lượng hoá chất được coi là một “điểm nghẽn” đối với nông sản Việt xuất khẩu trong nhiều năm qua.
Theo số liệu thống kê của Eurofins (đơn vị chuyên cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với nông thuỷ sản nhập khẩu sang các thị trường EU) đối với mẫu kiểm nghiệm nông sản Việt, chẳng hạn như mặt hàng hồ tiêu nếu như năm 2019 có tỷ lệ vượt ngưỡng quy định thuốc bảo vệ thực vật của EU là 32% thì 6 tháng đầu năm nay tỷ lệ này giảm xuống còn 18%. Hoặc như mặt hàng gạo năm ngoái có tỷ lệ 18% thì hiện tại đã giảm xuống còn 8%.
Một số mẫu mặt hàng trái cây qua kiểm nghiệm khi xuất khẩu đi EU cũng ghi nhận có sự cải thiện đáng kể về tỷ lệ vượt ngưỡng. Như thanh long giảm từ 4% của năm 2019 xuống chỉ còn 1,5%. Xoài giảm tỷ lệ từ 2% xuống còn 1%. Chuối giảm tỷ lệ từ 4,5% xuống còn 1,5%...
Có thể nói, để có kết quả tích cực đó là nhờ một số doanh nghiệp đã nỗ lực “đi đầu đón tắt” thị trường “kỹ tính” bằng cách thuê các chuyên gia nước ngoài hằng tuần, hằng tháng đến hướng dẫn người nông dân cách trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, cách sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật một cách khoa học để thu được sản phẩm đạt tiêu chuẩn EU.
Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, doanh nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình đổi mới này. Trước đây lãnh đạo các cấp từ Trung ương cho đến địa phương đều hô hào là nông dân sản xuất mà không cần biết có ai mua hay không. Còn bây giờ, các doanh nghiệp nắm được đầu ra như thế nào, rồi từ đó mới tổ chức lại cho nông dân sản xuất theo đúng kế hoạch đề ra. Nếu Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp hoạt động thì hành trình của nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ thuận lợi hơn.